Monday, March 16, 2015

Mặc tuxedo cho những sự kiện “black tie”


Không gì tạo cho đàn ông một phong cách điển trai, lịch lãm (và lôi cuốn phụ nữ) bằng tuxedo.

Có một thực tế là thuật ngữ “black tie” thường bị hiểu nhầm (không phải là “cà vạt đen” - ND). Sự hiểu nhầm làm cho người ta trông giống Lloyd và Harry trong Siêu Ngốc Gặp Nhau (Dumb and Dumber) hơn là giống Điệp viên 007 James Bond.


Rất nhiều sự hiểu nhầm này bắt nguồn từ các buổi prom trong trường Trung học và các nhà cho thuê tuxedo. Để bán chạy, người ta làm cho khách hàng tin rằng những bộ trang phục của mình phù hợp với rất nhiều hoàn cảnh, và đôi lúc người ta tăng giá trị cho những bộ đồ rất tầm thường. Những bộ đồ sặc sỡ có thể tạo không khí vui vẻ và những tràng cười sảng khoái, nhưng không đủ tinh tế cho một sự kiện “black tie”.

Nhìn thấy dòng chữ “black tie” trên tấm thiệp mời có nghĩa bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ càng. Tuy nhiên, tin vui là việc chọn trang phục thì không khó. “Black tie” là thuật ngữ ám chỉ chỉ một loại trang phục. Điều này giúp bạn đỡ phải đau đầu lựa chọn. Nếu bạn có một quy trình rõ ràng (như những điều bài viết này đưa ra), việc chuẩn bị trang phục chỉ mất chưa đến một giờ đồng hồ.



Những điều cơ bản về black tie
                                              
Đầu tiên, cần chú ý một số điều về các sự kiện black tie:

1. Black tie không đồng nghĩa với ăn mặc trang trọng.

Người ta thường nghĩ đơn giản: black tie nghĩa là mặc những bộ trang phục trang trọng nhất. Thực tế là, thuật ngữ này được hình thành từ những sự kiện mà, vào thời bấy giờ, là những sự kiện kém trang trọng hơn. Từ “tuxedo” cũng xuất phát từ Tuxedo Park, một khu phố thời trang ở New York vào nửa đầu thế kỉ 20.

Thuật ngữ chỉ yêu cầu trang phục trang trọng nhất là “white tie”, gần giống với black tie, nhưng ám chỉ một bộ trang phục hoàn toàn khác. Nói bằng thuật ngữ chỉ yêu cầu trang phục, “black tie” có nghĩa là “trang phục bán trang trọng buổi tối”. Điều này dẫn tới một điểm cần lưu ý khác…

2. Trang phục black tie không dành cho ban ngày

Chắc bạn cũng đã thấy rất nhiều các cặp cô dâu chú rể chụp ảnh vào ban ngày ở các công viên hay các danh làm thắng cảnh, với chú rể diện những bộ tuxedo rất đẹp. Thực ra, mặc thế là sai. Chắc người ta sẽ vẫn làm sai thế này mãi thôi, nhưng với những người am hiểu và nghiêm túc về ăn mặc, tuxedo chỉ để mặc vào buổi tối.

Quy luật là: trang phục trên người là dành cho khoảng thời gian kết thúc một sự kiện. Vì thế một buổi lễ lớn kéo dài từ trưa tới tối cũng là thích hợp cho tuxedo; nhưng một bữa tiệc bắt đầu từ sáng và kết thúc vào đầu giờ chiều thì không. Vì thế, thời gian ghi trên giấy mời luôn luôn là thứ chỉ dẫn cho bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn được mời tới dự đám cưới của một người bạn thân vào buổi sáng, và giấy mời ghi “black tie”. Hãy lẳng lặng diện bộ tuxedo đến. Đôi lúc, tình cảm quý hơn là việc đúng sai.

3. Black tie không phải chỉ là quần áo

Có nghĩa là, trang phục black tie không phải là “quần áo chú rể” hay “quần áo bồi bàn”. Bạn không nhập vai một ai cả khi mặc trang phục black tie. Nó đơn giản là quần áo của chính bạn (kể cả khi bạn đi thuê), và điều duy nhất bạn muốn nói thông qua nó là bạn quan tâm và tôn trọng sự kiện và người tổ chức. Hãy coi nó như là một biểu hiện của lòng thành, chứ không phải là một thứ gì xa xỉ.

Mặc Black tie đúng cách
Đến đây, bạn đã biết black tie là gì (và không là gì). Nhưng phải mặc như thế nào?

Thực ra, black tie có những quy tắc rất cứng. Có một chút thoải mái trong các chi tiết nhỏ, nhưng về tổng thể, thì nó gần như là một bộ đồng phục. Bài viết này sẽ chỉ ra “tiêu chuẩn vàng” của trang phục black tie. Những gì bạn được tự do quyết định, bài viết sẽ nhắc tới. Nếu không có nghĩa là bạn phải tuân thủ quy định.

Áo Tuxedo

Đây là thứ trung tâm – là thứ mà cả bộ đồ được gọi theo nó.

Về cơ bản, áo tuxedo là áo khoác không có đuôi được làm từ len dạ màu đen hay xanh xẫm, với ve áo phủ lụa đen. Phần lớn áo tuxedo là áo cài thẳng và chỉ có một khuy, nhưng áo tuxedo cài chéo cũng là lựa chọn hợp lý.

Một số chi tiết của áo có thể có sự đa dạng:
-          Ve áo. Kiểu ve áo trang trọng nhất là ve áo nhọn, nhưng ve áo thẳng cũng được chấp nhận. Ở áo ve thẳng, ve áo được nối với nhau vòng quanh cổ, tạo thành một miếng liền vòng quanh vai và sau gáy. Ngày nay, ve áo chữ V cũng được mặc nhiều, nhưng những người bảo thủ hơn cho rằng kiểu này trông giống cho kinh doanh hơn là cho một bữa tiệc thân mật. Dù là kiểu dáng nào, ve áo cũng phải có một nút cài để có thể đính hoa ngực.
-          Chất liệu ve áo. Lụa satin tạo một bề mặt mượt và bóng, giúp làm nổi bật ve áo. Vải grosgrain, với bề mặt có nhiều nếp gấp, trông tinh tế hơn và ít bóng hơn. Cả hai loại đều được chấp nhận. Vì bạn sẽ chọn cà vạt hợp với ve áo, nhớ rằng nếu là lụa satin, cà vạt nơ của bạn cũng phải sáng hơn.
-          Đường xẻ áo. Để có dáng người thon gọn, và cũng để trang trọng hơn, nên chọn áo không có đường xẻ. Tuy nhiên, áo có đường xẻ đôi (hai đường cắt phía sau lưng) cũng được chấp nhận, và có thể là một lựa chọn thoải mái hơn và giúp dễ dàng sử dụng túi áo hơn. Đường xẻ đơn là một lựa chọn kém trang trọng hơn và nên tránh. Đó là do áo có đường xẻ đơn rất dễ vừa người, và được bày tràn lan trên khắp các cửa hàng cho thuê.
-          Khuy áo. Tất cả các khuy áo phải giống nhau, nhưng chúng có thể là đen tuyền hay phủ chất liệu giống ve áo. Cổ tay áo nên có bốn khuy, giống như một chiếc áo suit thông thường.
                                                               
Ngoài những chi tiết trên ra, tất cả mọi thứ đều phải theo quy tắc. Túi áo khoác phải không có khuy cài, và phải có thêm một chiếc túi ngực để đặt khăn tay.

Kích cỡ chuẩn là phải sát người mà không bó chặt làm cản trở chuyển động hay làm nhăn vải. Áo phải đủ dài tới hông, kể cả ở những vị trí uốn lên. Về cơ bản, kích thước áo tuxedo phải giống như kích thước áo suit – không có sự khác nhau lớn giữa hai loại về điểm này.

Quần

Quần cho bộ tuxedo rất đơn giản: nó phải giống y hệt với áo tuxedo. Có nghĩa là, chất liệu phải giống với áo, đường may hai bên quần được che phủ bởi hai dải lụa (gọi là viền quần) và hai dải này phải được làm từ chất liệu giống với ve áo.

Về kích thước, quần phải được kéo cao để cho áo vest hay vải quấn hông (cummerbund) có thể che được toàn bộ hông quần. Quần được giữ bằng dây yếm, nên không được có đỉa để cài thắt lưng.

Ngoài ra, quần cho tuxedo là khá đơn giản. Không có gấu quần, và túi sau thường có một đường li dọc ngay bên cạnh viền quần. Túi quần trước hay không là tùy người mặc, nhưng không có thì trông tinh tế hơn.

Áo vest/vải quấn hông

Black tie đòi hỏi một cho hai món đồ này được quấn quanh hông: áo vest hay vải quấn hông (cummerbund). Áo vest là lựa chọn theo truyền thống, và có thiết kế hơi khác với áo vest dành cho những bộ suit ba mảnh. Cổ áo thấp và rộng hơn, để thấy được áo sơ mi bên dưới, và có thêm ve áo thẳng. Một số loại áo không có lưng mà được cài bằng khuy hay dây cài ở phía sau. Áo vest được làm từ cùng một chất liệu với áo khoác, và ve áo hay cả chiếc áo được phủ bằng chất liệu giống với ve áo khoác. Áo vest cài thẳng hay cài chéo đều được.
                                                                                            
Vải quấn hông là một miếng vải nhiều lớp quấn ngang phần hông của người mặc. Theo truyền thống, vải này làm từ cùng một chất liệu với ve áo khoác. Các lớp vải hướng lên trên như những chiếc túi (thực ra đó là công dụng của các lớp vải này, vì thời xưa quần thường không có túi). Một số thiết kế hiện đại cũng có một chiếc túi nhỏ được giấu bên hông.

Dù bạn chọn món đồ nào, nó cũng phải che được toàn bộ phần hông quần. Một số mẫu thiết kế chất lượng cao có thêm những miếng gài nhỏ bằng vài để cài vào khuy đính ở mặt trong quần, giúp giữ chúng ở yên vị trí.

Vì ở những nơi cho thuê trang phục, người ta làm nhiều mẫu nhiều màu, nên có thêm một điều đáng nói: tiêu chuẩn vàng cho black tie là áo vest/ vải quấn hông màu đen.

Tuy nhiên, đối với vải quấn hông, đôi lúc bạn có thể chọn những màu tối khác như đỏ ngói hay xanh lá sẫm. miễn là nó tạo nên một hình ảnh bán trang trọng. Lựa chọn này sẽ không phù hợp cho một sự kiện đối ngoại, nhưng cũng là hợp lý cho những buổi thân mật hơn như đám cưới. Hãy thận trọng với lựa chọn này, và nếu đã không chắc thì hãy chọn màu đen. Đen luôn là đúng.

Áo sơ mi

Áo mặc kèm với tuxedo phải là áo sơ mi trắng. Công dụng của chúng cũng giống với áo sơ mi mặc với suit, nhưng về thiết kế có vài đặc điểm nổi bật:
-          Ngực áo. Áo sơ mi cho tuxedo thường có thêm một miếng hình chữ nhật ở mặt trước, gọi là ngực áo (“bosom”). Kiểu ngực áo thông dụng nhất là kiêu nhiều lớp (với các lớp vải chồng lên nhau theo hàng dọc), hay kiểu piqué (làm từ vài piqué cứng, thường có thêm họa tiết chấm bi gọi là marcella). Cả hai kiểu đều hợp lý như nhau, mặc dù piqué thường được coi là trang trọng hơn. Áo với ngực áo nhiều lớp thường được gọi là soft-front (ngực mềm), trái với piqué gọi là stiff-front (ngực cứng). Đôi lúc soft-front được trộn thêm hồ bột và được gọi là semi-soft (bán mềm)
-          Khuy cài. Thay vì khuy cài, một số áo sơ mi có lỗ ở cải hai bên và được cài bằng khuy rời có thêm chức năng trang trí. Với loại áo này, khoảng cách giữa hai khuy thường lớn, và mỗi chiếc áo chỉ có từ ba đến bốn khuy. Theo truyền thống, khuy cài chỉ dùng với áo ngực cứng, trong khi áo ngực mềm dùng những chiếc nút áo bằng ngọc trai.
-          Cổ áo. Cổ áo kiểu Pháp là cơ bản cho rất nhiều áo sơ mi. Loại này được cài bằng kim băng. Rất nhiều nơi bán khuy cài ngực và kim băng cổ tay theo bộ, nhưng điều này không hẳn là cần thiết. Tuy nhiên, hai loại kim loại phải có cùng một sắc thái màu, và phải hợp với nhau. Kim băng cổ tay bằng bạc và khuy cài ngực bằng vàng không phải là một lựa chọn hợp lý.
-          Cổ áo. Có hai lựa chọn cho cổ áo: cổ cánh và cổ bẻ. Cổ cánh là cổ cao, cứng và tách riêng khỏi áo, với một phần nhỏ bên dưới cằm được bẻ ra ngoài. Một số nhà bảo thủ cho rằng cổ áo này chỉ dành riêng cho các sự kiện tối trang trọng (white tie), nhưng người ta mặc nó cho black tie nhiều quá nên nếu thích bạn cũng có thể mặc. Một lựa chọn hợp lý khác là một chiếc cổ bẻ thông thường. Tuy nhiên, không bao giờ được mặc những chiếc áo có khuy nhỏ để giữ cổ áo.

Tuy đây là luật bất thành văn, nhưng cũng nên nói là bạn phải luôn bỏ áo sơ mi trong quần. (một số áo có khuy nhỏ ở vạt áo để cài vào mặt trong quần, tránh bị tuột ra ngoài). Phần vạt áo, cũng như phần dưới của ngực áo, phải được che bới áo vest hay vải quấn hông, cùng với hông quần.

Cà vạt nơ

Vì gọi là “black tie”, nên đương nhiên cà vạt phải màu đen. Chất liệu của cà vạt nơ phải giống với ve áo tuxedo. Đừng dùng những chiếc sơ cài sẵn. Nếu bạn không rõ cách cài cà vạt nơ, có thể xem video hướng dẫn ở đây.

Có nhiều kiểu thắt nơ phù hợp với black tie, khác nhau chủ yếu ở độ dày và ở cách kết thúc nút thắt.
-          Hình con bướm. Nút thắt nhỏ và rộng ở hai đầu, đây là kiểu cổ điển. Kiểu này rất hợp với những người đàn ông có mặt tròn trịa, đầy đặn.
-          Hình con bướm rộng. Cũng được gọi là hình “cây gai” (thistle) vì phần hai bên hẹp hơn làm cho phần góc trông nhọn hơn. Đây là kiểu hiện đại hơn và thon gọn hơn của kiểu con bướm. Đây là kiểu trung tính, và hợp với hầu hết các loại khuôn mặt.
-          Hình mép thẳng. Cũng được gọi là hình “cánh dơi” hay hình “chày”. Kiểu này phù hợp với những người đàn ông có cổ và mặt gầy hơn.
-          Hình nhọn. Lý tưởng cho những người đàn ông có cằm nhọn. Ngoài ra, kiểu này cũng hợp với ve áo nhọn và cổ cánh.

Không có quy định nào nói rằng thắt cà vạt nơ kiểu nào là tốt hơn. Lựa chọn là của mỗi cá nhân, và nên chọn kiểu phù hợp với khuôn mặt. Những người có khuôn mặt lớn và đậm nét nên chọn cà vạt dày hơn, và những người có khuôn mặt gầy hơn nên chọn những cà vạt mỏng hơn.

Giày

Có hai lựa chọn kiểu giày: formal pump (giày xỏ, còn gọi là court shoes) hay giày oxford (giày buộc dây)
                                                                         
Giày xỏ được làm từ da láng hay da bê, với nơ làm bằng vải grosgrain đính lên trên. Có hai kiểu nơ: nơ thắt: có một nút thắt nhỏ ở giữa, hay nơ phẳng, chỉ là một miếng vải đặt lên giày. Những đôi giày này giúp tô điểm tuyệt vời cho bộ tuxedo, nhưng do chúng khá đắt, và chỉ có thể sử dụng với một mục đích, nhiều người đàn ông không dám sắm cho mình những đôi giày này.

Nếu bạn cũng nghĩ như vậy, thì bạn có thể đi một đôi giày buộc dây được đánh bóng. Rất ít mẫu giày được chấp nhận đi cùng với tuxedo. Dưới đây là danh sách những mẫu đấy, sắp xếp theo thứ tự mức độ trang trọng giảm dần:
-          Wholecut Balmoral (giày trơn một miếng). Đây là kiểu ít thông dụng. Giày được làm từ một miếng da liền. Một đường xẻ được cắt ở phần mu giày để xỏ lỗ. Trông giày này rất trơn tru và phù hợp với tuxedo.
-          Plaintoe Balmoral (giày mũi trơn). Đây là kiểu giày cơ bản cho các buổi gặp mặt kinh doanh, trang trọng. “Balmoral” chỉ những loại giày mà miếng da có đục lỗ xỏ dây được khâu lên trên chứ không phải chỉ đặt hờ. Kiểu dày này có bề mặt đều và phẳng và phù hợp với black tie hơn.
-          Captoe Balmoral (giày mũi vá).  Giống như những kiểu giày balmoral khác, nhưng mũi giày được vá vào mu giày, tạo nên một đường chỉ chạy ngang nằm ở khoảng 2.5cm sau mũi giày. Đây là kiểu trang phục kinh doanh thông dụng, những cũng đang lấn dần sang black tie. Vì kém trang trọng hơn, giày này hợp với ve áo thẳng hơn là ve áo nhọn.
-          Plaintoe Blucher (giày buộc cao mũi trơn). Giày blucher có phần buộc dây mở, nghĩa là miếng da có lỗ xỏ dây nằm phía trên, tách biệt với phần mu giày. Black tie đang dần dần cho phép sự “xâm lăng” của kiểu dáng kém trang trọng này, nhưng chắc chắn nó không thể ấn tượng bằng ba kiểu giày trên.

Dù bạn chọn kiểu giày gì, cũng cần đi tất đen mỏng. Tránh tất bông giày, kể cả khi nó màu đen.

Các phụ kiện khác

Với áo khoác, quần, áo vest hay vải quấn hông, áo sơ mi và giày đúng điệu, bộ tuxedo của bạn về cơ bản đã sẵn sàng cho bất cứ sự kiện black tie nào. Những gì còn lại là một vài chi tiết như sau:
-          Yếm quần. Có khuy cài vào eo quần (đừng bao giờ mặc những chiếc yếm kẹp cho black tie). Màu đen hay trắng đều được. Phần cài phải được giấu dưới áo vest hay vải quấn hông và phải chú ý trong suốt sự kiện không để lộ chúng ra.
-          Khăn tay. Bạn chỉ được dùng khăn màu trắng, nên là lụa. Bạn có thể gập theo bất kỉ kiểu nào trong các kiểu này. Nhiều người chọn kiểu gập nhàu để tương phản với những đường nét sắc cạnh của ve áo nhọn.
-          Hoa cài. Hoa đính vào ve áo là hoàn toàn không bắt buộc, nhưng luôn là đúng miễn là đó là một bông, màu đỏ hoặc trắng.
-          Đồng hồ. Theo truyền thống, trang phục cho tiệc tối không bao gồm đồng hồ đeo tay. (Hàm ý rằng việc xem giờ là thiếu tôn trọng đối với người tổ chức). Tuy nhiên, ngày nay, đồng hồ đeo tay là chấp nhận được, miễn là nó nhỏ, với dây đeo màu đen và các chi tiết bằng kim loại hợp với khuy ngực và kim băng cổ tay. Đồng hồ bỏ túi là một lựa chọn thay thế tuyệt vời – không ai để ý tới nó và bạn có thể bí mật xem giờ.
                                                                      
Nếu bạn cần choàng thêm áo ra ngoài, một chiếc áo măng tô màu đen, xám đen hay xanh sẫm đều được. Có thể đội thêm mũ phớt, nhưng không được mũ cao – đó là trang phục chỉ dành cho white tie. Khăn, nếu có, phải là màu trắng.

Kết luận: mặc black tie cho đúng

Đọc xong bài viết này, chắc bạn sẽ nghĩ rằng black tie thật là cứng nhắc – nếu bạn muốn tiêu chuẩn vàng, với mọi thứ đúng quy tắc, thì đúng vậy.

Thời nay, giống như mọi kiểu thời trang khác, có rất nhiều sự phá lệ. Rất nhiều người sành ăn mặc có những thay đổi riêng. Một số kiểu trở nên được chấp nhận, như việc sử dụng cổ áo cánh cho black tie, nhưng có rất nhiều kiểu khác trở thành thí nghiệm hỏng và bị lãng quên nếu như không bị chụp ảnh và đưa lên các mục “thảm họa thời trang” của các tạp chí lá cải.

Do đó, nếu bạn cảm thấy muốn thay đổi một chút, hãy thận trọng. Chỉ nên phá cách ở một chi tiết cho mỗi lần mặc. Ở một môi trường quy củ như black tie, chỉ một thay đổi nhỏ cũng được coi là sự táo bạo.

Và hãy nhớ rằng, vào cuối ngày (thực ra là cuối đêm), black tie là một cử chỉ thể hiện lòng thành.











0 comments:

Post a Comment