Monday, March 16, 2015

Tạo phong cách với áo khoác da


Nếu bạn đã bao giờ định mua cho mình một chiếc áo da, bạn sẽ biết rằng việc lựa chọn không hề đơn giản. Có hàng tá lựa chọn trên thị trường, và rất nhiều trong số đó là không đáng tin cậy. Việc phân biệt hàng thật và hàng nhái tốn nhiều thời gian và công sức, và thông thường, hàng thật không phải là rẻ. Nhưng việc này có đáng không? Đối với những người đàn ông sẵn sàng đầu tư cho một phong cách mạnh mẽ, cá tính, câu trả lời luôn là: Có.

Áo khoác da: Vì sao nên có một chiếc?

Giá của một chiếc áo khoác da tốt không hề rẻ: từ một triệu đến năm triệu, hay thậm chí là hơn chục triệu đối với những chiếc áo hàng hiệu. Khác với những chiếc áo suit thông thường, áo khoác da rất khó mặc với nhiều loại quần áo khác. Vậy, tại sao người ta lại cứ thích đầu tư như vậy?
                                                        
1. Phong cách

Đây là lý do quan trọng nhất. Áo khoác da tỏ rõ sự mạnh mẽ cũng như bản lĩnh phái mạnh. Những người đàn ông mạnh mẽ là những người đầu tiên mặc áo da – từ thời mà chiếc áo làm từ da của những con thú chết dưới nòng súng săn của chính họ. Thời nay, bạn không cần phải khổ sở đến thế để có một chiếc áo da tốt. Nhưng hình ảnh đầy nam tính vẫn còn đó, kể cả trên phim ảnh lẫn ngoài đời thực.
                                                      
Kể cả những chiếc áo da mềm và bóng cũng tạo được ấn tượng như những chiếc áo thô, ráp. Đó là những ấn tượng mạnh, táo bạo nhưng không đồng bóng hay giả tạo.

2. Bảo vệ

Nhìn từ góc độ thực dụng hơn, chất liệu da, xứng với hình ảnh ý chí bền bỉ của người đàn ông, cũng rất bền. Áo khoác da sẽ bảo vệ bạn từ những tổn thương bên ngoài (các vết chà xước) và giúp chống lại thời tiết khắc nhiệt. Không phải vô cớ mà rất nhiều dân phượt hay dân chơi xe máy thích mặc áo khoác da. Nó có thể không có ích nhiều khi tông phải cây, nhưng nó chống gió tốt hơn nhiều so với vải bò hay các loại vải khác. Áo da trở thành một bộ da thứ hai, dày hơn và bền hơn nhiều so với da bạn.
                                                                         
Với những người không ưa mạo hiểm và ít bị chầy xước, áo da cũng giúp bảo vệ khỏi các điều kiện thời tiết. Nó giúp chống gió, chống thấm nước và giữ ấm rất tốt.

3. Bền lâu

Ở thế giới mà xu hướng thời trang thay đổi đến chóng mặt, áo khoác da là một thứ trường tồn rất lâu, cả về chất liệu áo cũng như phong cách. Một chiếc áo da tốt (phải là áo tốt) có thể giữ được hàng chục năm. Nếu được chăm sóc cẩn thận, nó thậm chí còn có thể có tuổi thọ lớn hơn bạn. Ở một số viện bảo tàng ở Châu Âu, người ta còn giữ được những chiếc áo da từng được mặc bởi những dũng sĩ thành Rô-ma, được cắt từ hàng ngàn năm trước. (Thực ra chúng đã bắt đầu mòn đi, nhưng đó là trải qua hàng ngàn năm)
                                                                        
Điểm đặc biệt của áo da so với áo vải là nó không phải được đan từ sợi; nó vốn là một tấm da hoàn chỉnh. Nó sẽ không bao giờ bị tháo chỉ hay thủng lỗ, kể cả khi có một vết rách sâu. Vết rách sẽ ở im đó mà không to lên và làm hỏng cả chiếc áo như các loại vải khác.

Vì thế, giá cả có thể là một vấn đề, nhưng vì bạn sẽ mặc chúng lâu dài, nếu bạn chia giá đó cho số lần mặc, bạn sẽ thấy thực ra bạn phải trả ít hơn so với các loại áo khác.


Áo khoác da: Phong cách

Từ “áo khoác da” không chỉ chỉ một loại áo. Có rất nhiều lựa chọn, mỗi lựa chọn đều mang đến một hình ảnh khác biệt cho người mặc. Kể cả với một kiểu dáng, những màu khác nhau và chất liệu khác nhau có thể đem đến những hình ảnh hoàn toàn khác nhau.

1. Áo khoác “phi công” (Bomber)

Chiếc áo này, giống như tên gọi của nó, lúc đầu được thiết kế cho các phi công từ tiểu đội không quân mà chiếc áo được đặt tên theo. Kiểu dáng của nó không thay đổi mấy theo thời gian. Áo bomber là áo dài đến hông, với lớp lót mềm bên trong. Lớp lót này kéo dài đến tận cổ và có thể thấy trên phần cổ áo bẻ ra. Lớp lót này chủ yếu làm từ lông thú, nỉ mõng hay vải to sợi. Phần hông áo và tay áo được bó lại, thường là với chất liệu co dãn. Áo thường có phéc-mơ-tuya kéo thẳng và hai túi áo có cài khuy. Những chiếc áo này thường là dân dã hơn các loại áo da khác.
                                                 
2. Áo xe máy (Double Rider)

Phong cách kinh điển của các anh chàng chơi xe gắn máy ở Mỹ. Đây là chiếc áo mà người ta nghĩ tới khi tưởng tượng ra những anh chàng vạm vỡ với những chiếc xe mô tô phân khối lớn. Marlon Brando mặc áo này trong phim The Wild One, một hình ảnh đã trở thành biểu tượng văn hóa. (Một số nơi gọi áo này là áo “Perfecto”, đặt theo tên hãng thời trang Schott, nơi đã truyền bá phong cách này)

Loại áo này có ve áo rộng và cổ áo loe, có khuy bấm để giữ không bị gió thổi – đây là chi tiết độc đáo của áo Double Rider. Phéc-mơ-tuya của áo này thường nằm chéo, với một bên cổ áo bẻ từ bên ngoài và một bên cổ áo bẻ từ phía trong. Có rất nhiều kiểu thiết kế, và góc chéo của phéc-mơ-tuya của mỗi thiết kế đều khác nhau.

Mặc dù đi liên với hình ảnh những anh chàng cộc cằn, chiếc áo này cũng có thể mặc trong những hoàn cảnh lịch sự hơn, miễn là không có quá nhiều chi tiết bóng bẩy.

3. Áo “đua xe” (Motor racer)

Thường được gọi là áo “Motorcross” hay “Café racer”, những chiếc áo racer rất thon gọn, với cổ có khuy bấm hay không có cổ. Chiếc áo này không có phần bó cổ tay như áo Bomber, và không có ve áo như áo rider. Những chiếc áo Racer màu da tự nhiên hay đen là lựa chọn tốt nhất cho việc phối trang phục. Nhờ thiết kế đơn giản hơn, chúng trông trung tính hơn hai loại áo trên.
                                                            
Vì chiếc áo được thiết kế cho những tay đua, nhiều áo có màu sáng hơn và đôi lúc có thêm kẻ sọc hay vá thêm họa tiết đơn giản. Những thiết kế như thế này sẽ làm giảm sự trang trọng, và có lúc sẽ trông hơi buồn cười nếu bạn không có một chiếc xe máy và mũ bảo hiểm đi kèm.

Các kiểu dáng khác

Bomber, Double Rider và Motor Racer là những kiểu dáng chiếm phần đông các áo khoác da được bán trên thị trường. Ngoài ra, còn một số biến thể nhỏ của chúng, và có cả những thiết kế pha trộn giữa hai kiểu, ví dụ như áo Bomber với ve áo và không cổ tay, trông giống áo Rider; hay áo Motor Racer với nhiều lớp, trông giống áo Bomber không cổ.

Ngoài ra, còn một số loại ít thông dụng hơn.

Áo Cattlemen là áo dài đến đầu gối, hơi loe ở phần eo. Áo này có khuy cài thay vì phéc-mơ-tuya, giúp cho vạt áo thoải mái hơn khi cưỡi ngựa. Đây là một phong cách nông thôn, nhưng thỉnh thoảng bạn sẽ thấy bán ở một vài cửa hàng ở thành thị như một món đồ thời trang.

Áo Fatigue có cả loại bằng vải lẫn bằng da. Áo được thiết kế hơi rộng, với cổ áo mềm và túi áo to, hơi nịt ở phần eo và thỉnh thoảng có thêm thắt lưng. Áo này tạo ấn tượng giống với áo Bomber, nhưng trông giản dị hơn và đôi lúc cá tính hơn.

Áo Duster là áo dài tới chân với vạt áo rẽ. Những người cưỡi ngựa miền Tây thường mặc những chiếc áo làm bằng vải phủ sáp, nhưng những tay lái xe máy đường dài dùng những chiếc áo làm bằng da để tăng khả năng bảo vệ.
                                                  
Áo blazer bằng da liên tục trở nên mốt và lỗi mốt. Khác với các kiểu áo da khác, áo này có thể bạc màu nhanh hơn, một điều không tốt đối với vật liệu bền như da. Không nên dùng loại áo này, trừ khi bạn muốn tạo một ngoại hình táo bạo.

Thỉnh thoảng, sẽ lại có những nhà sản xuất tạo ra các loại áo thông dụng từ da, như áo khoác hay áo măng tô. Nên tránh những loại này, trừ khi bạn nhìn thấy một món đồ xuất chúng mà bạn có thể mặc liên tục trong 20 năm tiếp theo.

Chất liệu da

Không phải loại da nào cũng giống nhau. Trước khi mua hàng, bạn nên tìm hiểu kĩ thông tin về món đồ, đặc biệt là chất lượng của chất liệu:
-          Full grain: được làm từ toàn bộ lớp da, kể cả lớp ngoài cùng. Chất liệu này rất bền, nhưng đôi lúc có những vết chầy do tuổi thọ của con vật.
-          Top grain: chất liệu thông dụng cho tất cả các loại áo. Cũng được làm từ toàn bộ lớp da, nhưng lớp ngoài cùng được mài thành một bề mặt đều đăn, phẳng phiu.
-          Genuine leather: thuật ngữ cho chất liệu làm từ da trong. Chất liệu này mỏng hơn, rẻ hơn nhưng kém bền hơn full grain và top grain. Tuy nhiên nó vẫn được làm từ toàn bộ tấm da của con thú.
-          Bonded leather: loại chất liệu rẻ nhất và chất lượng kém nhất, làm từ nhiều miếng da của nhiều con thú khác nhau, ghép lại bằng các biện pháp hóa học.
                                                
Nói chung, vì giá những chiếc áo khoác da vốn đã cao, bạn không nên tiếc gì việc đầu tư thêm một chút ít. Không việc gì chỉ vì tiết kiệm một triệu mà bạn mua một chiếc áo có tuổi thọ chỉ bằng một nửa.

Các loại da thú khác nhau cũng đem lại hình ảnh khác nhau:
-          Da bò (steerhide) là da của bò trưởng thành (phần lớn lấy từ các lò mổ thịt). Loại da này cứng và cần một công đoạn xử lý dài để tạo cho nó độ bền và khả năng bảo vệ lý tưởng.
-          Da bò rừng (bison) cũng giống với da bò, nhưng mềm hơn và vân nổi hơn, tạo nên nét đặc trưng cho áo.
-          Da ngựa (horsehide) mỏng hơn da bò, nhưng cũng bền và cũng mềm như da bò rừng, đồng thời có thêm những vết rạn đặc trưng
-          Da hươu (deerskin) là chất liệu nhẹ hơn, tốt cho thời tiết ấm. Nó không bền bằng các loại da nói trên, nhưng dễ kéo căng và chống mài mòn.
-          Da dê (goatskin) nhẹ hơn, nhưng dễ mòn. Ngoài ra nó có bề mặt lốm đốm đặc trưng.
-          Da cừu (lambskin) là chất liệu mềm và mượt nhất trong các loại da thông dụng. Chất liệu này tạo cảm giác như lụa, nhưng không bền bằng các loại da khác.

Tuy nhiên, các quy trình xử lý khác nhau sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng. Cùng là áo da bò, nhưng một chiếc có thể bóng và cứng, và một chiếc khác mềm hơn, rạn hơn và mềm hơn. Miễn là chất liệu đó top grain hay full grain, nguồn gốc của tấm da có thể do sở thích cá nhân.

Áo khoác da: Thời trang

Áo khoác da đồng nghĩa với nam nhi. Chỉ cần mặc với cái gì, bạn cũng trở thành Indiana Jones, phải không?
                                                         
Không hẳn.

Rất nhiều trường hợp, kiểu ăn mặc đó trở nên rất xấu. Dưới đây là một vài nguyên tắc và cách mặc áo khoác da, tùy theo hình ảnh mà bạn muốn tạo dựng.

Không phải áo nào cũng đi với mọi hoàn cảnh. Bạn không thể mặc một chiếc áo Double Rider với áo sơ mi và quần khaki để đi làm. Hãy chọn chiếc áo mà các chi tiết của nó phù hợp với các món đồ khác và hợp với hoàn cảnh.

Bắt đầu với chiếc áo đúng cỡ. Áo da rất khó để chỉnh cỡ (mà không mất nhiều tiền), vì vậy bạn phải tìm áo đúng cỡ ngay từ lúc mua. Bạn cần có một chiếc áo đủ rộng để trông không bó ở vị trí nào, và chỉ thế thôi. Vì áo da rất cứng, nên nếu rộng quá, trông nó sẽ độn lên rất xấu.

Áo da và áo công sở. Nói rộng ra, áo da thường là áo bình dân. Nó không phải là áo công sở và càng không phải là áo cho họp hành. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mặc một chiếc áo Racer mỏng cùng với áo sơ mi và cà vạt, với quần âu và giày da đen. Trang phục này sẽ tạo ấn tượng tốt với các đồng nghiệp trẻ, ở những hoàn cảnh kém trang trọng hơn.

Trong mọi hoàn cảnh, áo blazer bằng da không thể thay thế áo blazer. Bạn nên tránh mặc những chiếc áo khoác da ra ngoài bộ suit nếu áo khoác da ngắn hơn áo suit. Tuy nhiên, phần lớn loại áo da dài đều là những kiểu nông thôn. Vì vậy, nếu bạn đã định mặc suit, thì nên bỏ hẳn ý định mặc thêm áo khoác da.

Ngoài ra, bất kì món đồ nào khác cũng đi được với áo khoác da, miễn là chúng sạch, vừa vặn và đi cùng áo da tốt. Đây là trang phục bình dân, nhưng trông nổi bật và cá tính hơn nhiều so với chỉ áo phông quần jeans. Với một người đàn ông trung bình, một chiếc áo da đẹp có thể tạo một sự thay đổi lớn trong hình ảnh hàng ngày của anh ta.

Nam tính, táo bạo, trường tồn hàng thập kỉ - tất cả những lý do bạn cần để tìm cho mình một chiếc áo khoác da phù hợp.




4 comments: