Monday, March 16, 2015

Phân biệt các loại áo nam: Sport jacket, Blazer và Suit Jacket

Có ba loại áo khoác cho nam: Sport jacket, blazer và Suit Jacket. Rất nhiều người dùng một từ như áo khoác hay áo suit để nói chung cho ba loại này. Một số nhà may cũng vậy. Vì vậy, sự khác nhau giữa ba loại áo luôn là một điều bí ẩn. Chúng có thực sự khác nhau không? Đương nhiên là có! Đàn ông có cần quá quan tâm về tiểu tiết này không? Có, vì ba lý do:
                                     
  1. Hiểu biết sẽ giúp tiết kiệm tiền. Khi hiểu rõ về ba loại áo này, bạn sẽ biết cách chọn mua loại áo phù hợp sao cho vừa rẻ, vừa bền.
  2. Hiểu biết sẽ giúp bạn tinh tế hơn. Những loại áo này phù hợp với những hoàn cảnh khác nhau, những độ trang trọng khác nhau. Hiểu biết sẽ giúp bạn không mặc nhầm sport jacket trong một buổi hội thảo toàn suit.
  3. Hiểu biết sẽ giúp bạn am hiểu hơn về lịch sử. Mỗi loại áo đều có một câu chuyện lịch sử của riêng nó. Hiểu biết sẽ giúp bạn thấy được quá trình thay đổi của đàn ông trong vòng 150 năm trở lại đây.

Bài viết này sẽ vạch ra tất cả những điểm khác nhau giữa ba loại áo này.


Suit jacket (áo suit)
Suit jacket được định nghĩa là áo khoác đi theo bộ với quần, được làm bằng cùng một loại vải và cùng một màu.

Phần lớn thời gian, bạn phải mặc áo suit cùng với quần theo bộ của nó. Một lý do cho điều này là nếu bạn mặc áo suit như một chiếc blazer – mặc kèm với quần jeans hay quần khác không đồng bộ, chiếc áo sẽ bị phai hơn quần. Khi mặc cùng nhau cho lần tiếp theo, trông sẽ không đẹp vì chúng không có cùng một sắc thái màu nữa.

Một điểm đặc biệt khác của suit jacket là kích thước nó phải vừa vặn với cơ thể hơn là blazer hay sport jacket. Lý do là suit jacket không phải được thiết kế để mặc ra ngoài nhiều lớp – bạn chỉ nên mặc nó với áo sơ mi.

Một mẹo nhỏ là bạn có thể mặc bộ suit cho gần như mọi sự kiện. Bạn sẽ tránh trường hợp ăn mặc không phù hợp, và hơn nữa, tránh bị coi là không biết ăn mặc.

Loại vải thông dụng nhất cho suit

Có rất nhiều loại vải thông dụng cho áo suit. Thông thường, so với các loại vải cho áo khác, vải cho suit nhẹ hơn, đan đều hơn và bền hơn. Dưới đây là một số loại thông dụng nhất
-          Worsted wool (dệt len). Sợi len được dệt mỏng và thô hơn so với len đan, vì thế chất liệu này rất tốt trong việc chống lại thời tiết giá rét.
-          Cashmere (len ca-sơ-mia). Đây là loại vải thông dụng nhất cho áo suit, không chỉ vị độ bền và giá cả hợp lý, mà còn vì độ mịn màng của chất liệu.
-          Linen (vải sợi). Một loại vải rất nhẹ, chủ yếu dành cho áo xuân-hạ. Một nhược điểm của vải sợi là nó dễ bị nhàu.
-          Seersucker (vải sọc nhăn). Dệt từ những sợi bông rất mảnh, loại vải này dành cho quần áo xuân-hạ. Màu sắc thường thấy nhất là trắng và xanh dương. Loại vải này đặc biệt có đường đan nổi khiến cho chúng phù hợp với rất nhiều loại quần.
-          Silk (lụa). Có lẽ là loại vải xa xỉ nhất bạn có thể tìm mua. Một bộ suit làm từ 100% lụa cực kì mềm mại và thoáng.

Chọn màu sắc cho suit

Vì là trang phục cho những buổi lễ trang trọng, nên suit thường chỉ mang một màu. Nếu bạn đang chọn bộ suit đầu tiên cho mình, hãy chọn suit một màu. Tuy nhiên, nếu bạn đã có một vài bộ, bạn có thể tìm thêm suit kẻ sọc mờ, sọc nổi, kẻ ô vuông hay dệt kết cấu cho thêm đa dạng. Những màu sắc thông dụng nhất là :
-          Xanh lam (thông dụng nhất)
-          Xám than
-          Xám nhạt
-          Đen

Các kiểu dáng suit

Có rất nhiều kiểu dáng và kích thước cho suit. Dưới đây là ba kiểu thường thấy nhất.

-          Hai khuy, cài thẳng. Kiểu dáng thông dụng nhất bạn có thể thấy ở các cửa hàng. Kiểu dáng này thường có ve áo chữ V và túi áo cài khuy.
-          Ba khuy, cài thẳng. Không thông dụng bằng kiểu hai khuy, nhưng là sự lựa chọn tốt cho những người cao để làm tôn lên vóc dáng. Thông thường, người ta chỉ cài khuy giữa. (Xem Luật cài khuy "Thỉnh thoảng - Luôn luôn - Không")
-          Sáu khuy, cài chéo. Kiểu dáng ít thấy hơn, nhưng cũng đáng một vài dòng bàn luận về nó. Kiểu dáng này được coi là rất trang trọng và nên để dành cho những sự kiện đặc biệt. Hãy luôn nhớ, không được cài hai khuy dưới cùng.

Mặc gì với áo suit

-          Quần: Phải luôn đi theo bộ với suit jacket, về màu sắc và chất liệu. Chỉ có một ngoại lệ cho điều này là khi mặc với quần jeans.
-          Giày: Những đôi giày lịch sự là phù hợp nhất – giày da là hợp lý, màu nâu đen hay đen. Đôi ủng cũng là một lựa chọn khi trời mưa. Bạn cũng có thể đi giày lười hay giày cài quai nếu trong những buổi không quá trang trọng – khi bạn không đeo cà vạt.


Blazer
Loại áo khoác của Thủy quân Anh Quốc vào nửa đầu thế kỉ XIX. Áo blazer đạt đến thời hoàng kim sau khi được Quốc hội Anh phê duyệt năm 1837. Vào thời kì đó, blazer chỉ có màu xanh lam, và chỉ có kiểu dáng sáu khuy cài chéo. Lịch sử của áo blazer cài thẳng không liên quan tới Thủy quân Anh, mà tới những hội đua thuyền. Những chiếc áo hai khuy giúp giảm sự gò bó và giúp việc kéo thuyền tiện lợi hơn.

Ngày này, bạn có thể thấy rất nhiều loại blazer giúp tôn lên ngoại hình của đàn ông. Đây cũng là loại áo đa năng nhất – bạn có thể mặc với rất nhiều sự kiện. Blazer thường bị nhầm với Sport Jacket, nhưng giữa chúng có nhiều điểm khác biệt nhỏ.

Loại vải thông dụng nhất cho blazer

Chất liệu vải là sự khác biệt lớn nhất giữa blazer và suit jacket và sport jacket. Những loại vải thông dụng nhất là:
-          Worsted Wool (len dệt). Thông dụng, dễ tìm, nhưng có thể làm blazer trông giống suit jacket
-          Serge (nỉ xẹt). Là loại vải thông dụng nhất cho quân phục. Thông thường, vải này phẳng và có đường dệt chéo.
-          Cashmere. Mềm mại và xa xỉ. Một chiếc blazer 100% cashmere đóng bộ rất đẹp với quần nỉ. Độ bền của áo phụ thuộc vào chất lượng vải.
-          Flannel (nỉ mõng). Thường được dệt tréo go từ sợi bông hay len.
-          Fresco. Một loại vải hiểm, được dệt phẳng từ nhiều sợi len mảnh. Đây là một loại vải thích hợp cho mùa hè vì mỏng, nhưng không thích hợp cho cả bốn mùa.

Chọn màu cho blazer

Xanh lam là màu thích hợp cho blazer. Cũng có nhiều sắc thái xanh nhạt hơn, nhưng nếu quá sáng, blazer sẽ trông giống sport jacket. Nếu bạn chỉ định mua một chiếc blazer, hãy mua xanh lam.

Ngoài ra, cũng có những blazer màu sáng, nổi bật, đặc biệt là trong các hoạt động câu lạc bộ hay hội đua thuyền. Xanh lá, đỏ cùng với kẻ sọc thường được thấy, và chúng đặc biệt có vai trò nhận biết các câu lạc bộ hay các nhóm khác nhau.

Những màu sắc thông dụng cho blazer:
-          Xanh lam
-          Xanh dương
-          Xanh lá đậm
-          Đỏ
-          Kẻ sọc nhiều màu (có rất nhiều mẫu)

Các kiểu dáng blazer

-          Hai khuy, cài thẳng. Khá thông dụng đối với blazer. Đây sẽ là một món đồ rất đa năng, đặc biệt là những màu cơ bản như xanh lam.
-          Ba khuy, cài thẳng. Đang dần tạo được vị thế trong thời trang nam giới. Blazer với ba khuy áo là lý tưởng cho những người cao hơn 1.8m. Việc phối áo blazer với chiếc quần khác màu cũng tạo sự cân bằng cho những người cao.
-          Sáu khuy, cài chéo. Một chiếc blazer sáu khuy, cài chéo, với túi áo mở cũng đồng nghĩa với trang phục trang trọng. Bạn sẽ thường thấy ve áo nhọn trên kiểu dáng này, nhưng không phải với tất cả, và vẫn có những chiếc với ve áo chữ V.

Mặc gì với blazer

-          Quần: Quần nỉ mõng màu xám đi rất hợp với một chiếc blazer xanh lam. Quần nỉ sáng màu cũng là một lựa chọn bình dân hơn. Quần jeans có thể đi với blazer trong những sự kiện không trang trọng. Với những người cá tính hơn, có thể mặc blazer với quần sáng màu như đỏ, cam hay xanh lá.
-          Giày: Vì blazer là một chiếc áo đa năng, nó có thể đi với rất nhiều loại giày. Nên chọn loại giày phù hợp với mức độ trang trọng của chiếc áo cũng như của hoàn cảnh. Áo nỉ mõng màu xám hợp nhất với giày đế mềm hay giày cài quai đôi. Khi đi với quần nỉ, bạn có thể chọn một đôi giày lười cho bình dân hơn.


Sport Jacket
Thời xưa, đàn ông thường mặc áo đuôi tôm cùng với quần khác màu. Thời đó, trang phục này thường dành cho các buổi săn bắn hay các sự kiện thể thao, cứ không phải cho những nghi lễ trang nghiêm. Dần dần, khi trang phục này trở nên trang trọng hơn, một loại áo khác được thiết kế cho các hoạt động thể thao. Chiếc “Notfolk jacket”, tiền thân của sport jacket, được làm từ chất liệu đặc biệt và có thêm thắt lưng hông để người mặc cảm thấy thoải mái hơn trên lưng ngựa.
                                                          
Phải đến những năm 1920, những chiếc sport jacket hiện đại mới ra đời. Nó có nhiều điểm tương đồng với chiếc Notforl jacket, bỏ đi thắt lưng hông. Sport jacket được coi là một món đồ xa xỉ, vì phần đông chỉ có thể mua một một suit, chứ không phải một chiếc áo khoác mặc với quần khác màu. Dần dần, khi quần áo trở nên rẻ hơn, sport jacket trở nên một trang phục không chỉ cho săn bắn, mà còn cho những buổi gặp gỡ xã giao.

Đặc điểm của sport jacket, trước hết, là có rất nhiều kiểu dáng, từ màu sắc đến họa tiết. Cấu trúc của nó không bị gò bó như suit jacket hay blazer, và thông thường thường được mặc rộng hơn một chút. Chiếc sport jacket cho phép bạn mặc thêm một lớp áo len bên dưới, và nói chung thì có thể thoải mái tham gia vào nhiều hoạt động chân tay hơn. Một số áo có miếng da vá dưới hai cùi trỏ, cũng như được xẻ dọc ở lưng áo. Những thiết kế này đều cho mục đích di chuyển: miếng da dưới cùi trỏ để tránh bị mòn khi cọ xát, và đường xẻ ở lưng áo giúp cử động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngày nay những thiết kế này đơn giản chỉ là thời trang.

Sport jacket là một món đồ cực kì đa năng, có thể mặc với quần bò hay rất nhiều loại quần vải, như vải to sợi, vải nhung hay vải nỉ.

Loại vải thông dụng nhất cho sport jacket

Khi phân biệt sport jacket với blazer và suit, cách tốt nhất là nhìn vào chất liệu. Mặc dù cũng có nhiều chiếc làm từ chất liệu nhẹ hơn, sport jacket vốn được làm từ vải dày để tránh bị mòn khi đi săn. Một số chất liệu sport jacket có thể giống với suit và blazer; một số khác là chất liệu đặc trưng. Những chất liệu thông dụng nhất cho sport jacket là:

-          Herringbone (đan xương cá). Một mẫu đan cổ điển. Nên tìm loại vải này nếu bạn muốn áo nâu, nâu xám, xám đậm, xám nhạt hay xanh lam
-          Houndstooth và Shepherd’s Check. Đều là những hoa văn dày , được ưa chuộng ở Anh Quốc, Châu Âu và Đông Bắc Hoa Kỳ
-          Flannel (nỉ mõng). Mềm và mịn. Sport jacket làm bằng vải này khác với blazer ở màu sắc sáng hơn và xen vào một số màu sắc khác để tô điểm cho màu áo sơ mi và trang sức của người mặc.
-          Tweed (vải nhuộm). Với đường dệt dày và thô, đây là chất liệu lý tưởng cho sport jacket. Những đường dệt với sợi màu khác nhau tạo nên những họa tiết độc đáo. Chất liệu này có nhiều màu sắc và đặc biệt rất bền.

Các kiểu dáng sport jacket

-          Hai khuy, cài thẳng. Những đường may nổi là một đặc điểm của sport jacket so với blazer. Túi áo sport jacket thường có thêm những chi tiết nổi bật để phù hợp hơn với những sự kiện bình dân.
-          Ba khuy, cài thẳng. Túi áo cài khuy là một đặc điểm cơ bản của loại sport jacket ba khuy. Cũng giống như suit hay blazer, chỉ nên cài khuy áo giữa. Một kiểu cách tân thường thấy là loại “hai nút rưỡi”, nút trên cùng bị che đi khi gập ve áo, làm cho nó không thể cài được.

Mặc gì với sport jacket

-          Quần: Quần bò xanh đi rất hợp với sport jacket, đặc biệt là màu sẫm và bó sát. Đóng bộ như thế này sẽ đảm bảo cân đối giữa giản dị và cá tính. Để mặc cầu kì hơn, có thể mặc quần vải khác màu, tuy nhiên phải chú ý không để quần nổi bật hơn áo (ví dụ, quần không nên có họa tiết), và chất liệu phải năng, nhẹ như nhau. Điểm cuối cùng khá khó, vì nhiều người thích mặc áo nhung nặng với quần mỏng, nhẹ. Bộ này trông đẹp, nhưng không thể bằng, ví dụ, áo nỉ mõng một màu kèm với quần vải sợi.
-          Giày: Giống như với blazer, bạn nên chọn giày để hợp với sport jacket và hợp với hoàn cảnh. Nếu là quần bò, những đôi giày giản dị như giày lười hay giày thể thao là ổn. Nếu bạn mặc quần vải cùng với áo trơn, giày da có thể là một lựa chọn hợp lý.


Tổng kết: ba loại áo khoác nam giới

Mặc dù không phải khác biệt hoàn toàn, mỗi loại áo khoác nói trên đều có nhiều chi tiết nổi bật giúp phân biệt chúng. Không có loại áo nào tốt hay đẹp hơn loại áo nào, mà điều này phù hợp vào nhu cầu và hoàn cảnh. Mỗi loại áo đều có những điểm tinh tế giúp bạn trở nên bảnh bao trong những sự kiện khác nhau.

0 comments:

Post a Comment