Monday, March 16, 2015

Mẹo mua sắm quần áo: Kim tự tháp ba chỉ tiêu



Đối với đàn ông, ‘phong cách’ là một thứ gì đó rất khó hiểu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc mua sắm quần áo. Chúng ta luôn luôn quên size của mình; chúng ta không hiểu áo quần đi với nhau thế nào; và chúng ta đôi lúc không quyết định được thế nào là đẹp. Đôi khi chúng ta bỏ xó những món đồ vừa mới mua về vì chúng không hợp cỡ hay không hợp với phong cách. Tóm lại, mua sắm quần áo là một việc cực kì khổ sở.
                                                                         
Nhưng đừng lo, bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách thức đơn giản hóa vấn đề. Bạn chỉ cần tập trung nghiên cứu những mẹo nhỏ dưới đây, và bạn có thể bước vào một cửa hàng với ý tưởng sẵn trong đầu, và bước ra ngoài với một vẻ ngoài đầy tự tin về phong cách. Công cụ mà bài viết sẽ giới thiệu cho bạn là Kim tự tháp ba chỉ tiêu. Đây là một mô hình rất đơn giản bao gồm: Kích cỡ, Chất liệu, và Kiểu dáng (Fit, Fabric, Style).


Một món quần áo không đạt đủ ba chỉ tiêu trên là một món không đáng mặc.

-          Kích cỡ: Chỉ tiêu quan trọng nhất nằm trên đỉnh Kim tự tháp. Tất cả mọi chỉ tiêu khác đều là thứ yếu - nếu như một món đồ không vừa với vóc dáng cơ thể, dù có họa tiết cầu kì thế nào nó cũng không đẹp khi bạn mặc vào. Kích cỡ nên là tiêu chí số một khi bạn chọn mua quần áo.
-          Chất liệu: Chỉ tiêu quyết định chất lượng của món đồ. Nếu bạn không hài lòng với chất liệu làm ra sản phẩm, bạn sẽ không hài lòng với sản phẩm. Tuy nhiên, khác với kích cỡ, chỉ có 2 trường hợp: vừa hay không vừa; chất lượng của chất liệu có rất nhiều mức độ và bạn cần xem xét thật kĩ lưỡng.
-          Kiểu dáng: Phụ thuộc vào cá tính của chính bạn, thể hiện con người mà bạn muốn người khác nhìn vào. Nếu một món đồ vừa như in và làm bằng chất liệu hàng đầu, nhưng không mang lại cho bạn hình ảnh bạn muốn, bạn cũng không nên mua nó.

Hãy xem xét từng chỉ tiêu trong Kim tự tháp theo thứ tự ấy. Nếu một món đồ không đúng size, bỏ ngay. Nếu nó chuẩn size, nhưng làm bằng chất liệu rẻ tiền, bỏ qua tiếp. Nếu size và chất liệu tốt, nhưng phong cách không hợp với bạn, bạn luôn có thể tìm một thứ khác hợp hơn. Chỉ khi món đồ đó vượt qua cả ba chỉ tiêu, bạn mới nên mua.
I. Kích cỡ (Fit)
                                  
Kích cỡ luôn là chỉ tiêu hàng đầu khi chọn quần áo. Kích cỡ của một bộ quần áo ảnh hưởng lớn nhất tới hình ảnh của người mặc, so với các tiêu chí khác.
Rất nhiều người mặc bộ suit rộng quá 2 số. Kích cỡ rất, rất quan trọng.
Điều này không có nghĩa là bạn có thể trông bảnh bao trong bất kì quần áo nào miễn là nó đúng cỡ (đồ ngủ vừa như in thì vẫn là đồ ngủ, đừng mặc ra đường). Tuy nhiên, một bộ đồ thời trang, đắt tiền nhất mà không đúng cỡ cũng sẽ trở nên xuềnh xoàng.

Hãy coi kích cỡ là tiêu chí tối thượng: nếu quần áo không hợp size thì bỏ đi, dù nó có là vải tơ tằm hay thêu dệt bởi nghệ nhân.
Phép thử chung nhất cho kích cỡ của bất kì món đồ nào, là nó phải bó sát lấy cơ thể bạn, nhưng không phải chất cứng. Bạn phải chuyển động thật dễ dàng khi mặc, nhưng cũng không được quá thùng thình, luộm thuộm. Nhìn chung, nếu bạn có thể chèn một hay hai ngón tay vào giữa quần áo và cơ thể, size đó là tốt. Tuy nhiên, mỗi loại quần áo đều có những chỉ tiêu khác nhau, nên sau đây chúng ta sẽ nhìn vào từng loại một.
Để ý rằng phần hông áo không phồng lên quá nhiều.
1. Áo

Bài viết này sẽ nghiên cứu áo sơ mi có cổ, tuy nhiên những chỉ tiêu này cũng có thể áp dụng cho áo phông có cổ hay không cổ. Sự khác biện duy nhất là với áo phông, bạn không cần bỏ trong quần nên phần hông có thể hơi rộng hơn.

-          Cổ áo phải vừa in vào cổ nhưng không bó chặt, đặc biệt là với những áo bạn phải cài cúc cổ để đeo cà vạt. Nếu bạn không thể cài cúc cổ, hay nếu có một khoảng trống giữa cổ và áo khi cài, size này là không đúng.
-          Đường may vai áo phải ở đúng vị trí của vai – tại giao điểm giữa đường ngang của vai và đường dọc của cánh tay. Nếu đường may vai ở quá gần cổ, hoặc ở quá thấp xuống dưới cánh tay, size này là không đúng. Lỗi này rất khó, thợ may khó mà sửa được cho hợp, nên nếu vai không vừa thì tốt nhất nên loại luôn, không mua.
-          Cổ áo phải che hết mắt cá tay. Nếu quá ngắn, nó sẽ không đi cùng với áo suit jacket hay áo đờ-mi được. Dáng cổ tay áo có thể thẳng hay bó đều được, tuy nhiên cổ tay bó hợp với phần lớn đàn ông.
-          Viền áo phải kéo dài 7 đến 10 cm xuống dưới hông để đảm bảo bạn có thể sơ vin thoải mái. Nếu như viền áo chéo, phải đảm bào rằng hai bên hông cũng có thể bỏ gọn vào trong quần. Bạn cần bỏ trong quần toàn bộ viền áo chứ không chỉ phần dài nhất.
-          Hông áo là phần mà rất nhiều người để quá thừa vải. Nếu hông bạn nhỏ, hông áo bạn cũng phải vừa như vậy. Một chiếc áo “Slim fit” có thể giúp bạn, và công việc này rất đơn giản cho thợ may. Hãy mua một chiếc áo vừa nhất có thể, sau đó tìm thợ may để nhờ bó vào cho đúng.
                   
Những người quá cao hay quá thấp cũng cần chú ý đến tỉ lệ. Có nhiều khi túi áo ngực sẽ nằm quá cao hay quá thấp trên người bạn, hay cổ áo có khi quá thấp so với cổ. Hãy chú ý đến tất cả các chi tiết trên áo để đảm bảo rằng không có vị trí nào bị lệch quá nhiều so với thông thường.
2. Áo suit jacket
Thông thường, áo khoác ngoài luôn hơi rộng hơn so với áo sơ mi, nhưng không quá rộng. Bạn vẫn phải tránh khoảng trống lớn giữa áo và người, tránh những chỗ rộng thùng thình hay những chỗ bó quá chật.
                   
-          Vai, giống như vai áo sơ mi, phải vừa như in. Thợ may không thể giúp bạn chỉnh vai áo. Cũng giống như với áo sơ mi, đường may vai của áo suit phải nằm ở vị trí tiếp giáp giữa vai và cánh tay, không phải trên vai hay dưới cánh tay.
-          Ngực áo là chỉ tiêu duy nhất bạn có thể so sánh bằng con số đối với đồ may sẵn. Với một chiếc áo đúng cỡ, ve áo phải nằm vừa vặn trên ngực áo khi bạn đứng thẳng. Nếu như có một khoảng trống quá rõ rang giữa ve áo và áo trong, chiếc áo đó là quá rộng.
-          Hông áo ảnh hưởng đến việc cài khuy. Chiếc áo phải được cài mà không kéo căng khuy áo (việc này không chỉ giúp bạn trông gọn gàng hơn, mà còn giúp tiết kiệm tiền và công đơm lại khuy). Vị trí cài khuy phải tì vào hông, và áo ngoài phải chạm vào áo trong.
-          Tay áo phải hơi ngắn hơn so với tay áo sơ mi. “Một phân vải” là một cụm từ thông dụng, nhưng thực tế độ dài có thể thay đổi một chút, chỉ cần tay áo sơ mi dài hơn tay áo suit là được.
-          Chiều dài của áo phải dài quá nửa mông chứ không phải vừa chạm.

Một số điểm lớn cần chú ý đối với áo suit jacket là phần mép áo dưới, khoảng trống giữa áo và ngực, và sự thoải mái khi bạn di chuyển. Một chiếc áo quá chật ở phần tay hay hông có thể thấy rõ ở những vị trí bị nhàu.


Để ý rằng háng quần không thấp quá nửa đùi và vị trí gấu quần không độn


3. Quần

Đối với áo, tốt nhất là mặc bó sát vào người. Tuy nhiên, đối với quần bạn nên để nhiều khoảng trống hơn để thoải mái cho việc đi lại. Vấn đề là nhiều người để quá nhiều khoảng trống, làm cho quần trở nên thùng thình, xuềnh xoàng.

-          Chiều dài của một cái quần là khá dễ để đánh giá. Gấu quần phải vừa chạm vào giày, hoặc thả lỏng ngay trên giày. Đó là lý do bạn nên đem theo thêm một đôi dày khi đi mua quần để đối chiếu. Sẽ trông rất xấu nếu gấu quần quá cao hoặc đùn quá nhiều trên giày.
-          Hông quần phải đủ chật sao cho bạn không thể kéo quần ra mà không cởi cúc. Ngược lại, quần cũng không nên bó chặt hông. Bạn cần tìm cho mình cân bằng giữa hai trường hợp. Hãy thử hông quần ở vị trí bạn muốn mặc – kéo cao đối với quần chun, và thấp hơn một chút đối với quần bò.
-          Háng quần phải nằm sát với người ở vị trí thoải mái nhất. Cần có một khoảng trống nhất định để tiện đi lại, tuy nhiên nhiều người lại để tới chục phân thừa ở vị trí đó. Đừng có làm thế. Bạn chỉ cần đủ để thoải mái di chuyển, không hơn.
-          Mông quần có thể có nhiều kiểu. Tuy không có một số đo dành riêng cho nó, bạn cũng không nên quá thừa vải ở vị trí này. Một chiếc quần rộng quá có thể làm cho vòng 3 của trông to hơn. Hãy tìm chiếc quần ôm sát lấy vòng 3, chỉ đủ để cho vừa ví vào túi sau.

Quần nam có khá nhiều kiểu dáng đa dạng, vì thế nên hãy coi những điều trên là những tiêu chí chung để lựa chọn cho mình. Những người có hình thể lớn hơn có thể muốn mặc rông hơn những người gầy. Bạn chỉ cần chọn cho mình một chiếc không quá chật và không quá thùng thình. Bạn có thể kiểm tra bằng cách xoay hông vài vòng.

Về cơ bản, nếu bạn chỉ quan tâm đến chất liệu, hãy nhìn vào những tính chất sau đây.

-          100% nguyên liệu tinh khiết. Nếu là vải cotton, phải là 100% cotton. Nếu là len, phải là 100% len. Đối với vải sợi tổng hợp, một ít pha trộn cũng không sao, (ví dụ, một số loại len tổng hợp có pha thêm tạp chất để chống nấm mốc), nhưng không được dưới 95%. Nếu không, đó là loại vải rẻ tiền.
-          Khối lượng phù hợp. Chỉ tiêu này có thể có nhiều mức. Nếu là quần áo mùa hè, miếng vải nên dệt thưa và chỉ mỏng. Nếu là bộ vest mặc quanh năm, vải phải được làm từ len rất bền, và bạn phải cảm thấy nó nặng khi cầm lên. Nên tránh những loại vải nhẹ, đặc biệt là với quần và áo khoác ngoài. Bạn muốn chúng phải di chuyển cùng với cơ thể; nếu quá nhẹ, chúng sẽ trở nên thùng thình.
Dệt đều tay. Hãy kiểm tra những nút thắt hay lỗi dệt trên vải. Bạn sẽ không muốn một cục chỉ nổi lên, và càng không muốn một lỗ rách. Không phải vải nào cũng nhẵn nhụi - ví dụ như vải sọc nhăn sẽ có những nếp gợn đặc trừng – nhưng những nếp gợn này phải đều. Nếu nếp gợn cao thấp khác nhau, hay khoảng cách giữa các nếp không đều, trông áo sẽ rất xấu
Hãy kiểm tra chi tiết nhỏ trên áo
2. Kiểm tra chất lượng may
                           
Kim tự tháp dùng từ “chất liệu” cho dễ nhớ, nhưng thực ra ta nên kiểm tra cả chất lượng may nữa. Thông thường rất ít quần áo làm bằng vải tốt nhưng may kém, nhưng không phải là không có. Đặc biệt là quần bò – hãy cẩn thận với những “Quần bò Mỹ” được may lại tại Philippines hay Malaysia. Hãy kiểm tra kĩ một vài điểm cơ bản, không chỉ với quần áo mà với cả phụ kiện như thất lưng nữa.

-          Mũi khâu là điểm cơ bản nhất để kiểm tra. Nếu có chỉ lỏng hay khâu lỗi, quần áo chứng tỏ được làm ẩu hoặc không qua kiểm duyệt kĩ lưỡng. Những món quần áo này sẽ có tuổi thọ ngắn.
-          Viền tay áo hay gấu quần là một vị trí khác để ‘săm soi’. Nếu như viền bị nhàu, bị gập hay không đều, món đồ đấy chắc hẳn là chất lượng không cao.
-          Chất liệu của các chi tiết cũng là một điểm chỉ cho bạn. Nhìn xem những chiếc cúc là giả ngọc hay nhựa, khóa phéc-mơ-tuya là đồng cứng hay nhựa mềm, những chiếc đinh tán trên quần bò được đính đều và chắc hay không. Hãy cân nhắc khi mua những món đồ mà người làm bỏ qua những chi tiết nhỏ đó.

3. Mua hàng qua mạng

Phần lớn những mẹo trên chỉ có ích khi bạn có trong tay mẫu quần áo muốn mua. Có mẹo nào để kiểm tra chất liệu và chất lượng khi bạn phải quyết định mua hàng chỉ dựa trên ảnh và đánh giá của người khác không? Dưới đây là hai mẹo cơ bản.

-          Chỉ mua những hãng uy tín. Nếu có thể, đừng mua qua mạng nếu đó là lần đầu tiên bạn mua hàng. Hãy mua từ một công ty mà bạn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Mua một món đồ chỉ vì bạn nghe nói nó tốt là một cuộc đánh cược – bạn có thể may mắn vớ được một món hời, hoặc không may mắn vớ phải đồ bỏ đi.
-          Chỉ mua từ những trang web cho phép hoàn trả. Hãy tìm hiểu về chính sách hoàn trả/đổi hàng cũng như thông tin giao hàng của trang đó. Hoàn trả toàn bộ tiền là tốt nhất. Đổi hàng miễn phí cũng tương đối được. Nếu trang web không cho phép những việc đó, bạn đang cược tiền vào một món hàng mà có thể sẽ không có ích gì với bạn.
Quy trình sản xuất có thể mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, nhưng cũng đáng. Nếu bạn muốn mua giày, hãy tìm hiểu điểm khác biệt giữa cách đóng giày Goodyear Welt và Blake Stitch. Nếu bạn muốn mua áo, hãy tìm hiểu về áo một lớp và hai lớp, lưng trơn hay có cầu vai, v.v. Khi bạn có một danh sách về thông tin sản phẩm, bạn cần phải hiểu ý nghĩa của từng điểm một.
III. Kiểu dáng (Style)

Kiểu dáng là tiêu chí khó đánh giá nhất trong ba tiêu chí. Nguyên tắc chung là: nếu món quần áo làm toát lên vể ngoài mà bạn muốn thể hiện, thì món đó phù hợp với phong cách bạn.

1. Phù hợp với những món sẵn có

Hãy nghĩ tới những quần áo bạn đang có, sau đó nhìn vào món đồ bạn muốn mua. Hãy thử phối món này với những thứ bạn đang có sẵn. Nếu bạn có thể phối được cả tá bộ trang phục khác nhau, món đồ này chắc chắn sẽ hợp với phong cách của bạn. Ngược lại, nếu bạn không thể nghĩ ra một cách phối nào, bạn không cần bỏ nó ngay lập tức, nhưng phải cân nhắc thật kĩ xem bạn sẽ sử dụng nó cho mục đích gì.

Chúng ta luôn nên thử những cái mới. Cùng với thời gian, phong cách của chúng ta sẽ thay đổi. Nhưng hãy thay đổi một cách hợp lý. Nếu bạn mua về với ý định thay đổi trong vài ngày nhưng lại để nó ở một xó 360 ngày còn lại thì đó không phải là một sự đầu tư đúng đắn. Cũng nên nhớ rằng một số phong cách đòi hỏi nhiều món đồ mới cùng lúc. Nếu bạn dám bỏ tiền ra thì không thành vấn đề, nhưng phải thật thẳng thắn với bản thân: chỉ đổi sang phong cách mới khi bạn sẵn sàng và tự tin mặc nó hàng ngày.



2. Cách tân phong cách
                              
Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: “Quần áo này có giúp cách tân hình ảnh của mình không?” Đôi khi những thứ vô giá nhất là những món nhỏ, đơn giản nhưng làm cho tủ quần áo bạn đa dạng hơn. Có một bộ suit mới toanh cũng sướng, nhưng chắc sẽ không tạo ra một điểm khác biệt lớn lắm so với, chẳng hạn, đổi một đôi converse thành một đôi giày đế cứng.

Rất nhiều lúc, sự cách tân trong phong cách chỉ là rất nhỏ. Sự thay đổi có thể chỉ nằm ở khóa cài mới cho chiếc thắt lưng da. Đối với một sự đầu tư nhỏ, những thay đổi như vậy thường mang lại hiệu quả lớn nhất cho bạn. Bạn càng thêm thắt nhiều chi tiết, bạn càng có nhiều những “dấu ấn cá nhân”, mà không phải tốn triệu bạc cho một tủ quần áo hoàn toàn mới.


Kết luận

Kim tự tháp ba chỉ tiêu là một mô hình cực kì đơn giản. Trong thực tế, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn, đặt ra nhiều câu hỏi, quyết định hơn những gì bài viết này đã nêu ra. Tuy nhiên, đây là một sự khởi đầu – và quan trọng hơn, với một số người không muốn mua sắm quá cầu kì, đây cũng có thể là điểm kết thúc.

Nếu một món đồ không đạt được bất kì chỉ tiêu nào trong ba chỉ tiêu đã nêu, bạn không nên đưa nó vào tủ quần áo của mình. Vì thế, hãy luôn tự hỏi:

-          Kích cỡ có vừa vặn với cơ thể không?
-          Chất liệu vải có tốt không?
-          Kiểu dáng của nó có hợp với phong cách của mình không?
           
Nếu câu trả lời là “Không” cho bất cứ câu nào, hãy bỏ đi. Sẽ còn rất nhiều mẫu quần áo khác tốt hơn cho bạn lựa chọn.





0 comments:

Post a Comment