Tuesday, March 17, 2015

TRỞ LẠI KHÁM PHÁ TIỆM CẮT TÓC


Trong một vài tháng gần đây, tôi không nhớ nổi mình đã tới bao nhiêu tiệm cắt tóc khác nhau. Thật ra thì tôi vẫn thường lui tới những cửa tiệm loại dành cho cả nam và nữ, mặc dù chúng luôn làm tôi có cảm giác bị váng vất bởi mùi của thuốc nhuộm tóc và keo xịt. Chẳng mấy khi đi cắt tóc mà tôi có thể về nhà với một mái tóc thật sự ưng ý. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ hơn cả, là cảm giác lạc lõng luôn thường trực khi tôi bước vào đây. Từ khách hàng cho đến những người thợ, hầu hết họ đều là nữ. Tất cả mọi việc tôi làm là bước vào, ngồi yên, giữ im lặng trong khi họ làm việc với mái tóc của mình và sau đó lặng lẽ rời đi.
Chính tôi cũng không hiểu tại sao tôi ngưng việc cắt tóc ở những Barbershop (tạm dịch : tiệm cắt tóc riêng dành cho nam). Tôi còn nhớ lúc còn là một đứa trẻ, tôi từng có dịp đến một tiệm ngay trong thị trấn. Nó có tên là “The Friendly Barbershop”. Đó là một nơi rất thú vị với đầy những dụng cụ kỳ lạ và khiến tôi vô cùng thích thú. Nhưng có lẽ điều làm tôi nhớ nhất, là khí chất “đàn ông” rất đặc biệt tỏa ra từ nơi đó. Dù chỉ là một đứa trẻ, tôi vẫn có thể cảm nhận rằng đây thật sự là một nơi thư giãn lý tưởng cho đấng mày râu. 20 năm sau, tôi bắt đầu lại cuộc khám phá của mình với nơi này.
Thật sự thì, tôi nghĩ bạn cũng nên thử.
Tóm lược lịch sử của Barbershop
Những năm 1880 cho đến những năm 1940 được xem như thời kỳ hoàng kim của Barbershop. Trong suốt khoảng thời gian này, đàn ông rất thích tham gia vào những cuộc tụ tập đông đảo bạn bè, và Barbershop là một địa điểm phổ biến. Đến các cửa tiệm này dần trở thành thói quen hàng tuần, thậm chí hàng ngày của đấng mày râu. Họ đến đấy không chỉ để cắt tóc hay cạo râu, mà còn để kết thân với bạn bè và cùng tán gẫu.
Trong suốt những năm hoàng kim, Barbershop từng được xem như một tụ điểm “sang chảnh” với vẻ ngoài luôn làm lóa mắt đám đông. Ở trong cửa tiệm, những quầy thu ngân làm bằng đá cẩm thạch được chia thành từng hàng, bên trên sắp đầy chai lọ thủy tinh màu sắc. Ghế được chạm khắc một cách vô cùng tỉ mỉ từ gỗ sồi và gỗ cây óc chó, sau đó được bọc bằng loại da tốt nhất. Tất cả mọi thứ, từ những dụng cụ cạo râu nhỏ nhất cho tới biển hiệu quảng cáo đều được chăm chút và trang trí bởi những hoa văn tinh tế, đẹp đẽ. Một vài cửa hàng nổi tiếng thậm chí còn trang trí trần phòng bằng những bức bích họa vẽ hình đèn chùm pha lê.
Trái ngược với sự sang trọng và có vẻ xa lạ tôi vừa mô tả trên, Barbershop là một địa điểm vô cùng hấp dẫn và sẽ khiến bạn có cảm giác như đang ở nhà. Khắp cửa tiệm luôn vảng vất một mùi hương rất nam tính và quyến rũ. Tôi dám chắc rằng nếu bạn đã từng đặt chân tới đây, bạn sẽ không bao giờ có thể quên được. Không khí ở Barbershop là sự hòa lẫn của mùi cherry, cây lộc đề, táo và bí đỏ từ các tẩu thuốc và khói xì gà, vảng vất thêm chút hương của dầu dưỡng tóc, sáp thơm, dầu và phấn. Những mùi hương này như ăn sâu vào từng thớ gỗ, ướp đượm từng chi tiết nhỏ nhất của cửa tiệm. Tôi luôn có cảm giác được thư giãn tuyệt đối  ở Barbershop, và khi lớp bọt cạo râu bắt đầu chạm vào da mặt thì giống như tất cả âu lo đều được thổi bay đi hết.
Thời kỳ lụi tàn

Sự kiện đầu tiên khiến các cửa tiệm cắt tóc nam gặp phải khó khăn xảy ra vào năm 1904 khi Gillette tiến hành chiến dịch marketing khổng lồ với những chiếc dao cạo an toàn mà họ sản xuất. Mẩu quảng cáo của họ hết lời ca ngợi những chiếc dao cạo tiết kiệm và thuận tiện hơn nhiều so với việc bạn đến Barbershop. Sau đó không lâu, dao cạo an toàn bắt đầu được sử dụng phổ biến. Thậm chí, trong chiến tranh thế giới thứ nhất chúng còn được chính phủ Mỹ phát kèm cho binh lính cùng với dao cạo truyền thống. Hệ quả là sau khi rời khỏi cuộc chiến, rất nhiều binh sĩ vứt đi những chiếc dao cạo truyền thống cũng như quên luôn thói quen tới Barbershop. Việc tới các Barbershop để cạo râu bây giờ có lẽ chỉ diễn ra vào các dịp đặc biệt.
Những thập niên đầu sau thế chiến thứ hai, có nhiều yếu tố kết hợp đã làm yếu đi vị thế của Barbershop trong xã hội. Những công ty giống như Sears bắt đầu cung cấp dịch vụ cắt tóc tại nhà trọn gói, và những bà mẹ quyết định tự cắt lấy mái tóc những cậu con trai của họ . Sau đó là cuộc Đại suy thoái khiến người ta quyết định cắt giảm vào những chi tiêu ngoài lề - ví dụ như cạo râu ở Barbershop. Không ít binh sỹ mất đi trong chiến tranh thế giới và chiến tranh Triều Tiên cũng làm giảm đáng kể lượng khách. Vào những năm 1960, Beatlemania và văn hóa hippie định hình lại cả đất nước, kéo theo đó là sự thay đổi của phong cách tóc. Đấng mày râu bắt đầu nuôi tóc dài hơn và trông lộn xộn. Vào thời điểm này họ gần không còn lui tới Barbershop.
Thậm chí cho đến những năm 1980, khi những mái tóc ngắn lần nữa được ưa chuộng, các đấng mày râu cũng không trở lại với thói quen cắt tóc ở Barbershop của mình. Thay vào đó, một kiểu cửa tiệm mới ra đời– đó chính là những salon tóc dành cho cả nam và nữ. Hay như “SuperCuts” – một kiểu cửa tiệm không phải Barbershop và cũng không phải salon làm đẹp, cung cấp dịch vụ làm đẹp cho cả hai phái. Rất nhiều điều luật liên bang giúp đẩy nhanh xu hướng này bằng cách dừng cấp các chứng chỉ nghề làm tóc riêng lẻ mà thay vào đó là các chứng chỉ “nhân viên làm đẹp” cho tất cả những ai có ý định theo đuổi nghề làm tóc chuyên nghiệp.
Tại sao chúng ta nên lựa chọn Barbershop

Thợ ở Barbershop thành thạo với việc cắt tóc nam. Nếu bạn cũng giống hầu hết những đấng mày râu ngày nay, hẳn là bạn cũng quen với việc tới những chuỗi tiệm làm tóc như Supercut. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Hầu hết những lần tôi tới đó, tôi sẽ mang một quả đầu thật sự tệ hại về nha. Đôi khi, chúng sẽ trông khá ổn ngay khi vừa cắt xong, nhưng chỉ sau một tuần khi tóc bắt đầu mọc dài, chúng sẽ trông lại bờm xờm như cũ.
Vấn đề chính là ở chỗ, rất nhiều những nhân viên của các salon tóc không được học nghề tóc một cách bài bản. Nói cách khác họ chỉ đơn thuần học chung chung để trở thành một “nhân viên làm đẹp”. Sự khác biệt đó phản ánh rõ qua những mái tóc mà họ tạo nên, một thì không thể chê vào đâu được còn một thì trông chẳng khác gì mấy tên ngốc.
Hơn nữa, một thợ cắt tóc chuyên nghiệp được đào tạo để làm việc với những chiếc tông-đơ, vật dụng chủ yếu để cắt tóc nam. Trong khi đó, những nhân viên của các salon kia lại được dạy dùng kéo. Họ còn được đào tạo để chăm sóc những mái tóc nữ và rồi trở thành chuyên gia về phong cách, màu sắc hay kiểu dáng – những điều mà một đấng mày râu không hề cần tới. Điều đó lý giải tại sao khi bạn yêu cầu anh chàng stylist dễ thương dùng số hai trên tông-đơ, bạn sẽ chấp nhận trở về với một quả đầu không thể tệ hơn. Hãy tin tôi, họ thật sự không phải người thành thạo trong việc sử dụng chúng. Nhưng ở Barbershop thì khác, họ có những thợ cắt tóc nam với kỹ nghệ dùng tông-đơ không chê vào đâu được
Barbershop là địa điểm tuyệt vời để gặp gỡ và tán gẫu với những gã đàn ông khác. Khi tôi tìm đến những salon tóc, tôi hiếm khi có thể nói chuyện với những nữ thợ cắt tóc ở đây. Thỉnh thoảng tôi kể về gia đình mình, hỏi về gia đình của họ, và chấm hết. Nhưng thường thì cuộc nói chuyện của chúng tôi sẽ kết thúc bằng việc người thợ quay sang nói chuyện với người phụ nữ khác. Còn tôi vì quá lúng túng và xấu hổ sẽ không bao giờ có ý định bắt chuyện với cô ta lần nữa.

Để tôi kể bạn nghe về Barbershop, ở đó có đầy những gã thú vị với những câu chuyện hấp dẫn mà tôi luôn muốn tham gia cùng. Trong những lần tới đó, tôi đã từng gặp một thượng tá về hưu, một nhạc công đã dành 13 năm rong ruổi khắp nơi với ban nhạc Jazz, hay một người là thế hệ thứ ba trong gia đình trung thành với việc nghiệp tóc ở Barbershop. Họ đều có những câu chuyện thú vị và luôn sẵn sàng chia sẻ. Và hơn thế, tôi cũng cảm thấy thật dễ dàng để kể ra câu chuyện của mình. Chúng tôi bàn luận về chính trị, về xe hơi, thể thao hay gia đình. Vài gã đọc báo và bình luận về những sự kiện đang diễn ra. Lắm lúc có vài gã khiến mọi người cười phá lên bởi những câu nói rất hài hước. Tất cả chúng tôi đều hòa vào không khí đó, không ai cảm thấy lạc lõng: từ thợ cắt tóc, khách hàng đang làm đầu hay cả những người đang ngồi chờ tới lượt. Và những câu chuyện của chúng tôi có sự góp mặt của mọi lứa tuổi, từ những gã trai trẻ, tầng lớp trung niên hay cả những người già.
                                                                                   
Tôi nghĩ người ta có lý khi cho rằng Barbershop là một trong những cộng đồng cuối cùng của nước Mỹ. Ngày nay người ta còn nói chuyện với nhau ở đâu khác nữa? Tiệm Coffee ư? Mỗi lần tôi đến đó, tôi thấy những người ngồi cô đơn chỉ lo đến việc của mình. Địa điểm duy nhất còn lại tôi biết là các quán bar, nhưng nơi đó bây giờ là xứ sở của các cô cậu sinh viên, thanh niên hay những người trẻ tuổi chứ không phải là pháo đài của phái mạnh nữa. Một sinh viên đã tốt nghiệp, Melissa Harris-Lacewell, đã viết một bài báo về cách mà những cuộc nói chuyện trong các tiệm cắt tóc của người da đen đã định ra những ý kiến chính trị cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Cô nhấn mạnh rằng những cuộc tranh luận ở tiệm cắt tóc có thể vô cùng mãnh liệt và có cả những người trẻ lẫn những người đứng tuổi cùng tham gia. Thiếu may mắn thay, những người Mỹ da trắng lại không được trải nghiệm điều này. Thế nên, nếu bạn muốn tham gia vào nhịp sống của cộng đồng bạn đang sống, hãy tìm đến một tiệm cắt tóc.

Bạn sẽ có được dịch vụ cạo râu tuyệt vời ở Barbershop. Rất nhiều Barbershop ngày nay vẫn sử dụng dao cạo truyền thống một lưỡi để cạo râu cho khách hàng. Thật sự là một thiếu sót nếu như bạn chưa từng được tận hưởng cảm giác tuyệt vời mà kiểu cạo râu này mang lại. Mới cuối tuần trước đây thôi, tôi tới một cửa tiệm trong thị trấn để cạo râu. Tôi ngồi dựa vào chiếc ghế cắt tóc kiểu cũ bọc nhung, có đặt gạt tàn ở chỗ nghỉ tay, cảm giác giống như trở lại thời mà người ta còn có thể thoải mái hút thuốc ở nơi công cộng vậy. Sau đó người ta bắt đầu cạo râu cho tôi. Đầu tiên, người thợ đặt một chiếc khăn ấm quanh khuôn hàm và mát-xa bằng kem chanh để giúp tôi làm sạch lỗ chân lông.

Sau đó, họ thoa lên mặt tôi nhiều nước ấm hơn. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng thư thái và dễ chịu, giống như sắp chìm vào giấc ngủ vậy. Người thợ tiếp tục mát-xa cho tôi bằng một ít dầu dừa để làm mềm bộ râu. Tiếp đến, anh ta thoa một lớp kem ấm lên hàm. Tôi rất thích mùi hương nam tính tỏa ra từ loại kem này, khác hẳn những loại kem nhờn nhợt kinh khủng có thể mua theo can. Người thợ chọn một lưỡi dao cạo kim loại thật sắc, và bắt đầu cạo. Tôi không có từ nào khác đễ diễn tả cảm giác đó ngoài “tuyệt vời”. Đôi khi để cho một gã lạ mặt cầm dao cạo sắc bén đặt vào cổ bạn cũng là một cách tốt để nhắc nhở bạn rằng bạn vẫn còn sống.
Để kết thúc, người thợ dùng khăn ấm lau lại mặt cho tôi và mát-xa lần cuối bằng kem để xoa dịu cũng như làm biến mất mọi sự kích ứng da. Khi tôi bước khỏi cửa tiệm, tôi cảm thấy như mình biến thành một gã hoàn toàn khác vậy, sẵn sàng đương đầu với cả thế giới.

Đây là một hoạt động tuyệt vời để làm cùng bố hay con trai của bạn. Theo tôi thì những chàng trai trong gia đình luôn cần có cho mọt truyền thống để giúp giữ sợi dây liên kết giữa họ với nhau. Cùng tới tiệm cắt tóc với bố hoặc con trai có thể là một trong những thói quen mà bạn hình thành trong gia đình mình. Không ít chàng trai chỉ tới duy nhất một cửa tiệm cắt tóc trong suốt đời mình và sau đó giới thiệu cho con trai anh ta. Theo bạn, còn cách nào tuyệt vời hơn để nuôi dưỡng một sợi dây liên kết hơn cách này nữa?

Bạn sẽ cảm thấy “đàn ông” hơn bao giờ hết. Bất cứ lúc nào cắt tóc ở Barbershop tôi đều có cảm giác mình ra dáng đàn ông hơn rất nhiều. Tôi thật sự không biết cách diễn tả cụ thể cảm giác đó như thế nào. Có lẽ nó là sự kết hợp của mùi hương và không gian đặc biệt nơi đây. Nhưng hơn cả, đó như là một đặc tính được gắn cho Barbershop. Những cửa tiệm gần như không thay đổi mấy kể cả khi có sự thay đổi lớn trong phong cách hay thị hiếu của khách hàng. Bạn sẽ có cảm giác dường như nó vẫn như vậy kể từ khi cha bạn dẫn bạn tới đó từ thời của ông. Chúng là nơi cho bạn những trải nghiệm chân thật nhất mà không hàm chứa bất cứ xu hướng lòe loẹt nào của hiện thời. Không có những dịch vụ kiểu tẩy lông, làm đẹp da hay highlight tóc… Barbershop chỉ dành để phục vụ cho việc cắt tóc và tán gẫu của bạn với những gã đàn ông khác. 
Khi bạn bước ra từ một Barbershop với mái tóc trông thật sắc sảo, bạn sẽ không nhịn được việc cảm thấy thật ngầu trong từng bước đi. Vậy nên nếu lần tới bạn nhìn thấy những chiếc ống tiêu quen thuộc ở tiệm cắt tóc đó, hãy dành thời gian mà ghé qua một chút. Tôi tin là bạn sẽ cảm thấy may mắn vì đã làm như vậy.

1 comment: