Monday, March 16, 2015

Thời trang quần bò

Từ thế kỉ 19, quần bò đã là một món đồ không thể thiếu của đàn ông. Tuy nhiên, chiếc quần bò bình thường mà bạn mặc hằng ngày khác hoàn toàn với loại quần bò thô được ưa chuộng bởi các thế hệ trước.
                                                         
Trước những năm 1950, hầu hết quần bò đều được làm từ loại vải thô có biên được sản xuất ở Mỹ. Trong các thập kỉ sau, khi quần bò từ trang phục công sở trở thành trang phục hàng ngày, phương pháp sản xuất thay đổi rõ rệt.Với sự ra đời của những công nghệ mới giúp giảm giá thành sản xuất, cũng như việc thuê lao động rẻ ở các nước đang phát triển, chất lượng sản phẩm giảm đi rất nhiều. Sự thay đổi trong tâm lý khách hàng cũng làm thay đổi bộ mặt của quần bò: người ta muốn mua những chiếc quần giặt sẵn, phai sẵn, phá sẵn và thậm chí là “rách sẵn” để “trông” như chúng đã rất cũ.

Khoảng chục năm trước, xu hướng bắt đầu thay đổi theo hướng ngược lại. Đàn ông bắt đầu tẩy chay những chiếc quần bò kém chất lượng, phai sẵn hay giặt sẵn. Họ muốn một chiếc quần bò tốt tự nhiên. Họ muốn loại vải thô làm từ Mỹ như những chiếc cha ông đã mặc.

Để hiểu thêm về quần bò thô có biên, chúng tôi đã nói chuyện với Josey Off, đồng sáng lập công ty Dyer and Jenkins, một công ty tại Los Angeles chuyên sản xuất loại vải này.

(Bài viết không mang tính quảng cáo. Chúng tôi giới thiệu Josen vì anh ta là chuyên gia, và cũng là một con người rất dễ mến với bộ râu đầy cá tính)

Trước khi tìm hiểu về vải bò thô có biên, cần tìm hiểu ý nghĩa của từng thuật ngữ.

Vải bò thô

Phần lớn quần bò được bày bán hiện nay đã được giặt qua để làm mềm vải, giảm co vải và tránh phai màu. Quần làm từ vải bò thô (cũng được gọi là ‘vải khô’) đơn giản là quần bò được làm từ vải chưa trải qua quy trình giặt này. Vì vậy, quần bò thô thường khá cứng khi bạn mặc thử lần đầu tiên. Phải mặc liên tục trong một vài tuần để “phá” và làm giãn vải. Ngoài ra, vải thô cũng dễ phai hơn. Điều này sẽ được nhắc đến ở dưới trong mục ưu điểm và nhược điểm của vải bò thô.

Vải bò thô (và tất cả các loại vải bò khác) có hai dạng: vải kéo dãn (sanforized)vải chưa kéo dãn (unsanforized). Vải kéo dãn đã được trải qua công đoạn kéo dãn cùng với xử lý hóa học giúp tránh bị co khi khặt. Hầu hết các quần bò bán sẵn được làm từ vải kéo dãn, kể cả loại quần bò thô có biên. Vải chưa kéo dãn chưa được trải qua quá trình này, nêu sau khi giặt hay ngâm nước, quần bò sẽ co lại khoảng 5% đến 10%

Biên vải (selfedge)
Vải có biên (selvedged) có lịch sử khá lâu dài. Trước những năm 1950, hầu hết các loại vải – kể cả vải bò – được dệt bằng máy dệt kim. Mỗi lần dệt cho một dải dài khoảng một mét, dệt đều và kín. Mép của mỗi dải như thế này được đan chặt thành một dải chạy dọc biên, giữ cho vải không bị xơ hay rút chỉ. Vì biên vải (edge) được hoàn thành ngay trong công đoạn dệt, nó được gọi là self-edge – selvedge.
                                            
Trong những năm 1950, nhu cầu về quần bò tăng rõ rệt. Để giúp giảm giá thành, các công ty may sử dụng những máy dệt con thoi. Những máy dệt này có thể dệt nên những tấm vải lớn hơn trong thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên, mép của những tấm vải dệt bằng máy con thoi không được tạo biên, làm cho tấm vải dễ bị xơ và tháo chỉ. Josey đã chỉ ra rằng trái với quan niệm của nhiều người, vải bò dệt bằng máy con thoi không nhất thiết là vải kém chất lượng. Có rất nhiều quần bò tốt được làm từ vải này.

Hầu hết quần bò hiện nay làm từ vải bò không có biên. Ưu điểm của loại này là giá thành thấp hơn; gần đây, trong một chuyến du lịch tôi có việc đột xuất cần đến quần bò, và đã có thể sắm được một chiếc cực rẻ. Mặt khác, sử dụng những chiếc quần này, khác hàng cũng đang bỏ lỡ những chi tiết nhỏ của loại vải bò cổ điển.
So sánh giữa vải biên và vải không biên. Để ý trên mép vải không biên không có một đường viền rõ rệt.

Nhờ có “phong trào khôi phục sự kinh điển” trong thời trang nam giới, quần bò dệt kim đang dần được ưa chuộng trở lại trong vòng mười năm gần đây. Nhiều công ty may quần bò tư nhân (Ví dụ như công ty Dyer and Jenkins đây) bắt đầu xuất hiện. Kể cả những tên tuổi lớn trong làng dệt may (như Levis Lee) cũng bắt đầu sản xuất những chiếc quần kiểu cổ điển.
                                                                          
Vấn đề gặp phải trong việc khôi phục quần bò dệt kim là tìm loại vải biên để may quần, bởi hiện nay có quá ít các hãng dệt còn sử dụng máy dệt kim. Nhật Bản từng giữ độc quyền sản xuất vải bằng máy dệt kim trong một khoảng thời gian ngắn, bởi vì đó là nơi duy nhất còn sót lại những máy dệt kiểu này; người Nhật ưa chuộng tất cả mọi thứ làm từ Mỹ sau Thế chiến thứ hai, và họ bắt đầu mặc rộng rãi những chiếc quần jeans kiểu năm 50.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn đứng đầu về sản xuất vải bò biên. Tuy nhiên vẫn có một vài công ty ở Mỹ cũng sử dụng máy dệt kim, nổi tiếng nhất là nhà máy White Oak trực thuộc công ty Cone Cotton Mill, đặt tại Bắc California. Nhà máy này lấy nguyên liệu là bông được trồng trên đất Mỹ, và do đó vải bò của họ là 100% made in U.S.A.

Đừng nhầm lẫn giữa vải biên với vải thô

Một nhầm lẫn nhiều người mắc phải là cho rằng vải bò biên là vải bò thô, và ngược lại. Nhớ rằng, biên vải ám chỉ đường chỉ trên mép của tấm vải, trong khi thô ám chỉ công đoạn xử lý để chống co vải.

Mặc dù phần lớn quần bò làm từ vải biên được bán trên thị trường đều là quần thô, bạn vẫn có thể tìm được những chiếc quần bò vải biên mà đã được giặt trước. Bạn cũng có thể tìm thấy quần bò thô làm từ vải dệt bằng máy con thoi, và do đó không có biên vải.

Ưu và nhược điểm của quần bò thô vải biên

Nhược điểm

Giá thành rất cao. Giá của quần bò loại này thường trong khoảng vài trăm ngàn. Những chiếc quần giá rẻ hơn thường là được làm ở những nước đang phát triển. Tuy nhiên, cũng có một số hãng dù sản xuất ở Trung Quốc nhưng cũng có giá hơn ba trăm ngàn.

Khi chọn mua cho mình một chiếc quần bò, hãy nhớ rằng giá cao không nhất thiết nghĩa là hàng chất lượng. Do có ít xưởng dệt sử dụng máy dệt kim, hầu hết các nhà may sử dụng vải từ cùng một xưởng dệt. Mặc dù giá cao có thể phản ảnh đúng những chi tiết cầu kì trên quần, rất nhiều trường hợp đó là chiêu trò của các nhà sản xuất làm tăng giá trị của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Nhớ rằng, ‘tiền nào của nấy’ là không đúng.

Mất thời gian “phá vải”. Khác với những chiếc quần bò được bày bán rộng rãi trên thị trường, rất mềm và thoải mái khi mặc thử lần đầu, những chiếc quần bò thô mới thường rất cứng. Tùy vào trọng lượng của vải, bạn sẽ có cảm giác như đang bó bột ở cả hai chân. Hãy kiên nhẫn một chút, mặc nó hàng ngày và chiếc quần sẽ dần dần mềm hơn.

Chọn số có thể hơi khó. Điều này là do kinh nghiệm của cá nhân tôi. Rất hiều các hãng thời trang lớn đặt số không đúng: một chiếc quần có vòng eo 34 nhưng lại đánh số 32 để giúp bạn cảm thấy mình thon gọn hơn. Hầu hết các quần bò thô không sử dụng chiêu này, và rất khó cho bạn đối chiếu với số quần mình đang mặc để chọn số quần bò. Bạn sẽ phải tự mình đo (ở dưới là hướng dẫn)

Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng hầu hết quần bò thô/vải biên không được thiết kế cho những anh chàng có bắp chân to hơn đầu, mà là cho những anh chàng gầy thích quần bó. Điều này làm tôi, một người tập thể hình, khá bực mình, khi một chiếc quần mua qua mạng được chuyển đến nhà và tôi không thể nhét nổi chân vào ống quần. Nếu bạn cũng như vậy, hãy tìm hiểu những hãng quần chuyên sản xuất quần ống rộng.

Mua hàng qua mạng. Một đặc điểm của quần bò thô là phần lớn chúng chỉ có thể được đặt mua qua mạng. Nếu bạn sống ở một thành phố lớn, bạn có thể may mắn tìm được một cửa hàng để tìm mua và thử đồ. Tuy nhiên, nếu bạn giống tôi, sống ở một thị trấn nhỏ, cách duy nhất để mua được quần bò thô là mua qua mạng. Điều này làm việc chọn số trở nên đau đầu hơn. Lời khuyên của tôi là nên đặt mua hai chiếc cùng kiểu với hai cỡ khác nhau, để bạn có thể thử và gửi trả chiếc không vừa – tất nhiên phải tìm hiểu trước về những nhà buôn cho phép hoàn trả hoặc đổi hàng.

Có thể phai màu. Vì vải thô chưa được giặt trước, có một lượng lớn màu nhuộm có thể phai đi khi tiếp xúc hay chà sát với bất kì chỗ nào, ví dụ như yên xe máy hay mu giày và đế giày. Tuy nhiên, sau vài tuần, nó sẽ hết phai màu, và đến khi bạn đã quen rồi, việc tẩy vết loang màu không phải là quá khó.


Ưu điểm

Chúng rất bền. Đối với vải bò thô, vải biên thường nặng hơn vải không biên. Do đó, quần làm từ vải biên thô có thể bền lâu hơn, kể cả khi được mặc hàng ngày. Một chiếc quần tốt, được chăm sóc chu đáo, có thể có tuổi thọ từ một đến mười năm. Kể cả khi bị rách hay mòn, chiếc quần cũng có thể được khâu hay dệt lại và lại tốt như mới.

Giá trị cao hơn. Mặc dù giá thành cao, nhưng nhờ tuổi thọ của chúng, về lâu dài thì quần bò thô vải biên lại trở thành rất giá trị. Thay vì hàng năm phải mua một chiếc quần rẻ tiền mới, bạn có thể mặc chiếc quần bò thô này trong một khoảng thời gian dài.

Phần lớn là made in U.S.A. Nếu bạn là người sính ngoại và ưa chuộng đồ Mỹ, quần bò thô là dành cho bạn. Mặc dù Nhật Bản đang dẫn đầu trong sản xuất vải biên, Mỹ cũng đang dần bắt kịp với tốc độ rất nhanh.

Chúng rất đẹp. Vải thô thường tối màu và chiếc quần màu tối là một món đồ rất đa năng. Quần bò thô trông lịch lãm hơn rất nhiều quần nỉ bạc màu. Bạn không chỉ có thể mặc với áo phông và giày thể thao, bạn cũng có thể mặc áo sơ mi và áo khoác sport jacket với quần bò.

Chúng dễ dàng cá nhân hóa. Trong khi tất cả quần bò đại trà có kiểu phai màu giống hệt nhau, với quần bò thô, bạn có thể tự tạo kiểu phai màu cho hợp với thân hình và mục đích sử dụng. Có rất nhiều mẫu phai bạn có thể tạo với quần bò thô, điển hình là vết ổ ông ở sau đầu gối hay vết “ria mèo” trên đùi. Do đó, mỗi chiếc quần của bạn đều là “hàng độc”.
Kiểu phai đường “ria mèo” ở phần đũng quần


Kiểu phai ổ ong phía sau đầu gối


Chọn cỡ cho quần thô mới
                                    
Vì có thể bạn sẽ phải mua quần qua mạng, tốt nhất là nên có những con số chính xác.

Tự đo. Đối với quần bò, có một vài số đo bạn phải đo chính xác để chọn được một chiếc quần vừa vặn. Quan trọng nhất là vòng eo và đường chỉ trong, nhưng bạn cũng nên đo thêm đường cao trước, đường cao sau, đùi và ống quần. (hình dưới)


Hãy nhớ, đối với quần bò chưa kéo dãn, sau khi giặt quần có thể co lại khoảng năm đến mười phần trăm kích thước gốc. Khi mua quần bò làm từ vải chưa kéo dãn, bạn sẽ phải chọn cỡ lớn hơn một chút so với các số đo của bạn, và trước khi mặc thử phải ngâm nước để chúng co lại cho vừa.
                                      
Chọn kiểu fit. Hầu hết quần bò thô vải biên đều có hai loại: slim fit (bó) và kiểu thường. Mỗi hãng đều có một định nghĩa riêng về “slim fit” và “thường”, vì thế phải luôn tìm hiểu hướng dẫn về kích thước của mỗi hãng.
-          Slim fit. Quần slim fit thường có ống nhỏ và được thiết kế để bó sát người. (nên tránh slim fit nếu bạn có bắp chân to hơn đầu). Nếu một hãng không có slim fit, nhưng bạn muốn mặc hơi bó sát, có thể chọn quần dưới một cỡ. Vải thô có đặc điểm kéo dãn tốt (dãn được khoảng 3cm), nên với những chiếc quần số nhỏ bạn vẫn có thể vừa eo.
-          Fit thường. Giống như những chiếc quần bò xanh thông thường, có ống chân và phần háng rộng hơn slim fit. Nếu một hãng không phân biệt slim fit với fit thông thường, hãy nhớ mua quần “đúng cỡ”.

“Phá vải”

“Đơn giản thôi, cứ mặc hàng ngày.”

Đó là lời khuyên của Josey. Trên mạng có rất nhiều hư cấu về cách phá vải bò. Một số nơi nói rằng bạn nên mặc xuống biển, sau đó lăn trên cát để phá. (Thật là một buổi hẹn hò trên biển lãng mạn); hay có nơi nói rằng phải ngâm vào hồ tinh bột để có những vết phai với độ tương phản cao. (mặc dù đúng là có mẹo để làm việc này thật, nhưng cá nhân tôi không nghĩ những vết phai nổi như thế là phù hợp cho môi trường làm việc).

Hãy cứ mặc chiếc quần bò mới hàng ngày và nó sẽ phá một cách tự nhiên. Một ngoại lệ duy nhất là bạn cần ngâm chiếc quần nếu như nó làm từ vải chưa kéo dãn, để nó co lại đúng cỡ.

Giặt và chăm sóc chiếc quần


Một hư cấu khác về quần bò là những lời khuyên không bao giờ (KHÔNG BAO GIỜ) giặt quần bò; hay chỉ giặt mỗi năm một lần khi cần thiết. Có cả lời khuyên bỏ quần bò vào tủ lạnh để giết vi khuẩn, tránh gây mùi. Đủ các thể loại trên đời.
                                       
Lý do người ta đặt ra về việc không giặt quần bò (một lần nữa) là để có những vết phai lớn. Tuy nhiên, lời khuyên không giặt là nhảm nhí, và việc này sẽ làm cho bạn bốc mùi như một gã vô gia cư.

Điều quan trọng là phải cân đối giữa việc giặt làm phai màu quần bò quá nhanh, với việc tránh để hôi như cú. Để đạt được điều này, nên giặt hai tháng một lần. Hãy nhớ rằng quần bò là trang phục làm việc. Những người thợ mỏ chắc chắn sẽ không vì cố tạo vết phai mà không giặt quần; và bạn cũng nên thế.

Việc giặt hai tháng một lần có thể là quá nhiều đối với những “tay chơi quần bò”, nhưng so với quần áo hàng ngày, thế là quá ít. Nhưng có một thực tế là quần bò không đòi hỏi phải giặt quá thường xuyên. Chỉ khi nó quá hôi trước thời hạn hai tháng, bạn mới nên đem giặt.

Có rất nhiều cách giặt quần bò. Một cách đơn giản nhất là lộn trái và giặt với nước lạnh. Với những lần giặt đầu tiên, nên giặt riêng để tránh màu nhuộm phai sang các quần áo khác. Ngoài ra, dưới đây là hướng dẫn giặt quần bò thô của Josey.

-          Đổ đầy chậu hay bồn tắm bằng nước ấm
-          Hòa tan 1 thìa cà phê bột giặt
-          Ngâm trong 45 phút
-          Chà nhẹ để cọ bụi bẩn và bùn đất
-          Phơi khô (nếu trời mưa thì phơi trong nhà, tuyệt đối không dùng máy sấy)


Trên đây là những chỉ dẫn của Josey Orr về quần bò thô vải biên.

0 comments:

Post a Comment